Năng suất lao động và tư duy lãnh đạo

22:05 | 26/10/2014

TĐO - Sau một thời gian dài, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế chúng ta hiện đang lình sình, chậm nhịp từ mấy năm nay. Ấy thế mà khi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á - Thái Bình Dương thì thông tin này đã gây sốc cho dư luận.

nang suat lao dong va tu duy lanh dao


Năng suất lao động của nước ta thấp hơn Singapore, Nhật và Hàn Quốc lần lượt là 15 lần, 11 lần và 10 lần.

Ở nhiều cơ quan, đơn vị của nhà nước cho tới tư nhân, không ít lần những người lãnh đạo đã thủng thẳng nhắc nhở, thậm chí lớn tiếng đe dọa với nhân viên, cấp dưới của mình về những con số cho thấy rằng, người lao động đang làm việc chỉ bằng 1/10, 1/15 so với những nơi khác. Trong các nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách rất lớn giữa Việt Nam và các nước nói trên, người ta nhắc nhiều đến giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và coi đó là giải pháp trọng tâm.

Bản thân ngành giáo dục hiện nay cũng đang trong nỗ lực cải cách nền giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, làm động lực chính phát triển đất nước. Nhưng câu chuyện của ngành giáo dục đang hé lộ một yêu cầu còn cấp bách hơn bao giờ hết. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người đã có nhiều đóng góp cho cuộc cải cách giáo dục hiện nay trên các phương tiện truyền thông, đã ngụ ý rằng, không thể cải cách giáo dục bằng lối tư duy cũ. Vâng, điều đó hoàn toàn đúng. Những con người đang ngày đêm thao thức, trăn trở, lo lắng tìm kiếm các phương án cải cách cho ngành giáo dục thử hỏi, có mấy người có tư duy mới? Hay nói một cách khác, phần lớn trong số họ không phải là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cái mà ngành giáo dục cần cũng giống như nền kinh tế cả nước đang cần chính là nguồn nhân lực lãnh đạo chất lượng cao. Đòi hỏi này là thỏa đáng vì, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị là người định ra luật chơi, đưa ra các quy tắc, phương pháp lao động hiệu quả hay không hiệu quả. Họ là người có quyền lực nhiều nhất để thực hiện luật chơi đó, chứ không phải là nhân viên và người lao động. Một đội ngũ lãnh đạo tài giỏi, tư duy linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh, tìm được giải pháp đúng, tìm được đường ra trong những khó khăn, bế tắc thì nhân viên, người lao động chính là lực lượng thực thi và triển khai những giải pháp mới đó đến thành công.

Không thể có một cuộc cải cách, một cuộc cách mạng mà những người có vai trò dẫn dắt lại nằm trong nhóm có chất lượng nhân lực thấp, lạc hậu, cũ mòn. Cũng giống như không thể đem lại những giải pháp cho một nền giáo dục nếu những người có trách nhiệm cứ loanh quanh trong lối tư duy cũ, với một mớ những giải pháp đã cũ.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, để hỗ trợ cho mọi hoạt động tư duy, lãnh đạo, lao động, sản xuất thì công cụ và công nghệ đóng vai trò rất quan trọng nhưng nó không bao giờ vượt quá vai trò hỗ trợ. Yếu tố quyết định vẫn là khả năng tư duy sáng tạo, dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo. Họ sẽ đào tạo ra lực lượng lao động thực thi có chất lượng cao, năng suất cao. Cũng chính họ là người quyết định lựa chọn công cụ, hệ thống công nghệ, dây chuyền nào cho lĩnh vực của mình, chứ không phải lối tư duy ngược đời là công cụ, dây chuyền, công nghệ quyết định cuộc chơi.

Vì thế, nhìn vào năng suất lao động, hiệu quả của hệ thống không phải chỉ dừng lại ở vai trò, trách nhiệm của lực lượng nhân viên, người lao động, nguồn nhân lực chung chung mà điều tiên quyết chính là đòi hỏi ở đội ngũ lãnh đạo.

Hoàng Đình

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nang-suat-lao-dong-va-tu-duy-lanh-dao-63127.html

In bài viết