Tuyên truyền an toàn giao thông đến đồng bào dân tộc thiểu số

10:34 | 28/12/2018

An toàn giao thông là một trong những vấn đề trọng tâm được TP.Hồ Chí Minh nỗ lực cải thiện trong nhiều năm qua. Công tác tuyên truyền về vấn đề này được các cấp, các ngành triển khai đến nhiều đối tượng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhờ nội dung tuyên truyền, vận động được thực hiện đa dạng, sinh động nên công tác này đạt được những kết quả khá tích cực.

Theo Ban Dân tộc TP.Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 51 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với khoảng 437 nghìn người, chiếm 6,1% dân số thành phố. Trong đó, dân tộc Hoa, Khmer và Chăm chiếm số đông và hình thành các cộng đồng, có những nét đặc sắc về văn hóa, sinh hoạt trong cộng đồng. Dân cư thuộc đồng bào DTTS có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố trên nhiều lĩnh vực.

Thời gian qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ, đồng hành cùng đồng bào DTTS, tại các địa phương, sở, ngành đã có nhiều cách làm hay, phong phú trong tuyên truyền về an toàn giao thông đến đồng bào DTTS trên địa bàn.

Quận 6 là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống khá đông, chiếm hơn 30% dân số toàn quận.

Trong đó, tại phường 2, nơi có chợ đầu mối Bình Tây, là một trong những chợ đầu mối lớn nhất của thành phố cũng có hơn 30% tiểu thương là người DTTS tham gia kinh doanh, buôn bán tại chợ. Năm 2017, khi thành phố có chủ trương nâng cấp, sửa chữa chợ đầu mối này, trong quá trình di dời sang chợ tạm, một số tiểu thương đã “tận dụng” mặt bằng, hè phố để kinh doanh gây mất trật tự lòng lề đường.

tuyen truyen an toan giao thong den dong bao dan toc thieu so

Quận 5 đã có những chuyển biến tích cực về giao thông nhờ chương trình tuyên truyền sinh động, phong phú.

Với số lượng tiểu thương lên đến hàng nghìn người, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây nên những hệ lụy rất lớn về trật tự giao thông tại các tuyến đường quanh khu chợ. Nhớ lại thời điểm đó, Thiếu tá Phùng Viết Chánh, Phó Đội trưởng Đội CSGT trật tự quận 6 cho biết: “Nhận thấy tình hình đó, đơn vị đã triển khai ngay những kế hoạch về tuyên truyền, vận động để các tiểu thương hiểu và cùng tham gia vào việc giữ trật tự lòng lề đường vì lợi ích chung.

Thông qua nhiều hình thức như: Phát thanh lưu động, treo pano, áp phích, tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với tiểu thương, trong đó có hơn 700 hộ là người DTTS; đặc biệt, đơn vị phối hợp cùng Ban Quản lý chợ xuống đến tận từng tiểu thương để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Ngoài ra, công tác sửa chữa, khu vực kinh doanh tạm cũng được công khai để tiểu thương nắm và chia sẻ với chính quyền.

Trong khi đó, tại UBND phường 1, quận 8, Phó Chủ tịch UBND phường 1 Nguyễn Thanh Hiệp cho biết: Tuy số lượng nhân khẩu là người DTTS trên địa bàn rất nhỏ nhưng phường luôn xác định công tác tuyên truyền đến người dân, trong đó có an toàn giao thông là những công tác quan trọng.

Các nội dung tuyên truyền về luật giao thông, ý thức tham gia giao thông, các đợt vận động,… phường thường xuyên tổ chức tại Thánh đường Hồi giáo Anwar nên thu hút rất đông đồng bào tham gia; phường 1 cũng tranh thủ phát huy sự gương mẫu của các cá nhân có uy tín với đồng bào để tăng hiệu quả của các nội dung tuyên truyền. Còn tại quận 5, địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS, chủ yếu là người Hoa chiếm 35% cũng thực hiện thường xuyên, trong đó chú trọng chất lượng các hoạt động tuyên truyền vận động.

Theo Phó Chánh văn phòng UBND quận 5 Đoàn Văn Kiệt, ngoài việc bồi dưỡng kiến thức về Luật giao thông đường bộ, các cẩm nang tuyên truyền đều được in song ngữ (Việt - Hoa) để đồng bào dễ tiếp nhận; các đợt tuyên truyền cũng chú trọng đến đối tượng “tương lai” là các trường học với hơn 3.100 lượt giáo viên, học sinh được tiếp cận các kiến thức về an toàn giao thông. Các hoạt động tuyên truyền, vận động luôn có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.

Theo đánh giá của Ban An toàn Giao thông TP.Hồ Chí Minh, những năm qua, với việc tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú, sinh động đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về an toàn giao thông trên địa bàn. Các vụ tai nạn nghiêm trọng thiệt hại về người đã giảm hẳn. Tuy vậy, để góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, thân thiện, Ban Dân tộc và các sở, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS.

Theo Phó Trưởng ban Chuyên trách An toàn Giao thông TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường, thống kê cho thấy, 90% vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Đó là một con số báo động để chúng ta nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao ý thức của người dân đối với vấn nạn này.

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền hiện vẫn chưa “tới” và “ngấm” đến các đối tượng cần tuyên truyền nên các đơn vị, sở, ngành cần chủ động và đa dạng các kênh, nội dung tuyên truyền. Ngoài ra, việc xử lý, chế tài các hành vi vi phạm giao thông hiện nay vẫn còn quá nhẹ cũng khiến người vi phạm bị “nhờn thuốc”. Điều này tác động lớn đến ý thức của người tham gia giao thông.

Đứng ở góc độ là một người dân người DTTS, ông Lưu Ngầu, dân tộc Hoa, ngụ phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, cho rằng: Cốt lõi của vấn đề ý thức phải được xây dựng trên nền tảng của giáo dục. Các em nhỏ được giáo dục ý thức tham gia giao thông từ nhỏ sẽ rất khác việc để đến khi lớn các em mới được tiếp cận vấn đề này. Điều này nên được thực hiện trên mọi công dân và ngay từ khi các em mới bắt đầu đến trường.

Theo Nhân dân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tuyen-truyen-an-toan-giao-thong-den-dong-bao-dan-toc-thieu-so-63109.html

In bài viết