09:14 | 30/11/2018
![]() |
Xe máy là phương tiện ưa thích của du khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như vụ việc nữ du khách Ba Lan tử vong vì tai nạn xe máy tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày 19/9; du khách Nga say xỉn gây tai nạn giao thông khiến 3 người bị thương tại Bình Thuận ngày 14/10; hai du khách người Pháp và Tây Ban Nha tử vong do tai nạn xe máy tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ngày 23/10…
Thực tế cho thấy không ít du khách khi sang Việt Nam, dù chưa thông đường, cũng như chưa quen với loại phương tiện mô tô xe gắn máy, nhưng không khó để bắt gặp những hình ảnh du khách nước ngoài điều khiển phương tiện phóng bạt mạng, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí uống rượu bia say tham gia giao thông.
Ngoài thuê xe làm phương tiện, họ còn xem điều khiển phương tiện “Made in Việt Nam” như trò chơi trải nghiệm, khiến người dân phải lo ngại và đã có nhiều vụ tai nạn như vậy xảy ra. Sự nở rộ của các dịch vụ cho thuê xe mô tô tự lái, nhưng người cho thuê chạy theo lợi nhuận từ sự cạnh tranh, không biết có bằng lái hay không “chỉ cần có tiền là giao xe”.
Ngoài ra, việc không đưa ra quy định ràng buộc và không có sự hướng dẫn, để du khách có thể nắm bắt, tuân thủ pháp luật Việt Nam, cũng là nguyên nhân của không ít vụ TNGT. Một khi xảy ra tai nạn, va chạm liên quan đến người nước ngoài, thủ tục và kinh phí giải quyết rất rắc rối và tốn kém.
Tết Dương lịch 2019 và Tết Kỷ Hợi đang đến gần. Công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn cả nước sẽ phải được tăng mạnh trong thời điểm cuối năm có nhiều lễ hội lớn và lượng khách du lịch sang Việt Nam vẫn đông.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, TCDL đã có văn bản số 1697/TCDL-LH ngày 22/11/2018 về đảm bảo an toàn cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam, theo đó đề nghị các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tới các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn để nắm được quy định pháp luật về các vấn đề liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cung ứng dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái, xử lý kịp thời các vi phạm; kiên quyết dừng hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ; phối hợp với các ban ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, triển khai các biện pháp đồng bộ để đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ cho khách du lịch.
Về phía các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, TCDL đề nghị các doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho du khách nước ngoài trong việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Giao thông đường bộ; các quy định của pháp luật Việt Nam đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông; cảnh báo cho du khách những điểm du lịch có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, đoạn đường thường xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa, sương mù vào mùa đông.
Các đơn vị cung ứng dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái tiến hành rà soát, kiểm tra chất lượng dịch vụ và điều kiện đảm bảo an toàn của phương tiện, chủ động cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng địa phương về tình hình liên quan đến du khách nước ngoài có nhu cầu cần sử dụng mô tô, xe máy tham gia giao thông; phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam khi có yêu cầu.
Theo Luật Giao thông đường bộ, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển giao thông theo quy định, nếu chưa gây tai nạn thì chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.600.000 - 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông” Nếu gây tai nạn thì chủ phương tiện đã giao xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 205, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó thì người nào điều động hoặc giao cho người không có GPLX hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt từ 3 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm, nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 12 năm”. |
Minh Ánh