Hiệp sĩ giao thông 11 năm giải cứu kẹt xe

09:24 | 26/11/2016

TĐO - Anh Nguyễn Văn Linh (44 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP. HCM) tâm sự, nhiều người nói anh nghèo mà còn lo làm chuyện bao đồng. Thời gian rảnh không chịu làm ăn, cứ nghe đâu kẹt xe là chạy đến tham gia điều tiết, “giải cứu”. Thế nhưng, anh cho đó là việc làm có ích cho xã hội nên thấy thế thì bứt rứt, càng làm. Mặc kệ miệng đời, 11 năm qua, hễ nghe ở đâu kẹt xe, anh lại bỏ dở công việc rửa xe, chạy đến hỗ trợ. Dù mồ hôi nhễ nhại hay ướt sũng nước mưa, anh vẫn không quản ngại…

Đâu kẹt xe là tới

hiep si giao thong 11 nam giai cuu ket xe

Anh Nguyễn Văn Linh (44 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP. HCM)


Bất chấp nắng mưa, hơn 11 năm qua, ngày nào anh Nguyễn Văn Linh đều có mặt tại những điểm kẹt xe ở TP HCM để chia luồng, phân làn giao thông

Cứ mỗi buổi chiều, trên khắp các ngã đường quận Bình Tân, quận 2, quận 3 (TP.HCM), mỗi khi xảy ra kẹt xe mọi người lại thấy người đàn ông có nước da ngăm đen, tay cầm gậy điều tiết giao thông xuất hiện.

Năm 2000, khi còn làm nghề xe ôm và chứng kiến tình trạng ùn tắc giao thông trên khắp các tuyến đường trong thành phố. Cho đến năm 2005, lần đầu tiên ông Linh nảy ra ý nghĩ “mình phải tự mở đường cho xe chạy”.

Cứ đến tầm 4 giờ chiều ông Linh lại mở kênh VOV giao thông lên nghe. Cứ hễ ở đâu có kẹt xe là ông chạy tới. Rồi dần dần thành quen, ông Linh trở thành cộng tác viên giao thông của nhiều kênh thông tin, báo đài ở TP.HCM.

hiep si giao thong 11 nam giai cuu ket xe

Công việc hàng ngày của anh Linh là rửa xe

Nhiều anh em đồng nghiệp cùng làm chung tại xưởng rửa xe, cho biết: “Anh Linh sống tốt lắm. Nhà nghèo vậy đó, cái thời gian ảnh chạy tới mấy chỗ kẹt xe mà để làm thêm giờ thì kiếm được ít tiền rồi, nhưng mà ảnh thích giúp đỡ người khác. Cái tính ảnh nó lành như vậy rồi. Như với anh em làm chung ở đây, chẳng bao giờ ảnh to tiếng hay xích mích với ai”.

“Mỗi lần chặn xe người nào, tôi đều phải cười và mong mọi người thông cảm. Mình nói năng nhỏ nhẹ, giải thích cho có tình có lý là người tham gia giao thông nghe theo. Kẹt xe là người ta rất bực bội, mình ở đâu nhảy ra bắt đi thế này đi thế nọ, người ta mất bình tĩnh là đương nhiên. Bởi vậy, mình phải từ tốn hướng dẫn, khuyên mọi người đi theo chỉ dẫn", anh Linh cho biết. Anh đến với công việc điều tiết giao thông cũng rất tình cờ. Anh nhớ lại: 'Khoảng năm 2000, tôi phải rời quê Bình Thuận vào TP.HCM mưu sinh. Cùng lúc đó, mẹ tôi bị bệnh ung thư, phải vào TP.HCM chữa trị. Để có tiền chữa bệnh cho mẹ, tôi vừa chăm sóc mẹ, vừa chạy xe ôm".

Người “vác tù và hàng tổng”

hiep si giao thong 11 nam giai cuu ket xe

Hình ảnh đời thường của hiệp sĩ giao thông

Anh Linh kể, hồi mới làm, anh không có nhiều kinh nghiệm. Đường quốc lộ có rất nhiều xe đầu kéo, xe khách chạy với tốc độ khủng khiếp. Đến khi kẹt xe, những chiếc xe này cũng ngang nhiên lấn lướt, đi không theo bất cứ quy định nào. Anh đứng ra phân luồng, có lần bị xe máy húc thẳng. Thời điểm đó, anh tốn khá nhiều tiền xăng xe, sức lực. Ngày nào, anh cũng đi đến tận khuya mới về. Thấy vợ khó chịu, anh cũng hiểu. Anh chuyển sang chọn những địa điểm trong nội thành TP.HCM để thỏa đam mê “giải cứu” kẹt xe.

Về nội thành TP.HCM, anh Linh tự trang bị thêm còi, gây điều tiết giao thông để đối mặt với những khó khăn mới từ công việc yêu thích. Không phải đối diện với những hung thần xa lộ, anh Linh phải ngao ngán với taxi và xe buýt. Anh chia sẻ: “Taxi, xe buýt trong nội thành chạy ẩu lắm. Gặp điểm kẹt xe, tài xế còn cố tình chạy sai, miễn sao vượt qua điểm ùn ứ, về trạm đúng giờ là được. Nhiều khi, tôi ra tín hiệu dừng xe mà họ còn lao tới. Tôi phải bám vào càng gạt nước của xe để thoát hiểm. Người lái xe máy chạy đủ kiểu như: Leo lề, vượt đèn đỏ, phóng nhanh... Tôi đứng giữa đường phân luồng, điều tiết còn bị họ lao thẳng vào. Hai bên chân tôi đều có sẹo do bị xe máy tông”.

Lý giải về công việc “bao đồng” của mình, anh Linh cho biết, anh đã 2 lần phải dùng đến xe cấp cứu. Khi nằm trên xe, anh rất hiểu cảm giác cấp bách và cầu mong xe chạy nhanh đến bệnh viện. Gặp kẹt xe, người thân của mình như ngã quỵ. Họ sợ vì 1 lý do không đáng mà mất đi người thân. Bởi vậy, khi vào TP.HCM sinh sống, mỗi lần thấy xe cấp cứu bị kẹt là tim anh thắt lại, bằng mọi giá, để mặc xe máy bên đường, anh lao vào “giải cứu” cho xe cấp cứu. Khi xe thoát ra khỏi đám đông bát nháo, người thân của bệnh nhân trên xe nhìn mình với ánh mắt ấm áp thì có cần phải nói gì thêm nữa.

Tấm gương sáng

Gần 11 năm ròng rã đứng giữa nắng, mưa ở ngã tư Thủ Đức, ngã tư Hàng Xanh, Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn (quận 3), Hoàng Sa - Lê Văn Sỹ (quận 3), sân bay Tân Sơn Nhất để điều tiết giao thông những giờ kẹt xe... Ông Linh chưa bao giờ có ý định “nghỉ việc”. Vì với ông, những ngày chạy ngược chạy xuôi hướng dẫn giao thông là sở thích, là niềm vui và là cả một phần quen thuộc trong cuộc đời.

hiep si giao thong 11 nam giai cuu ket xe

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM trao giấy khen cho anh Linh

Mới đây, ngày 25/11, Sở GTVT TP.HCM đã tặng giấy khen cho anh Nguyễn Văn Linh (44 tuổi, ngụ quận Bình Tân), người dân đóng góp tích cực trong việc điều tiết giao thông, góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn thành phố.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngành Giao thông đang rất cần sự chia sẻ từ cộng đồng, đặc biệt là những tấm gương sáng như ông Linh. “Ông Linh luôn là người có tinh thần tự nguyện giúp các ngành chức năng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP HCM. Chúng tôi ghi nhận sự tích cực của ông và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ ông Linh cũng như cả cộng đồng trong công tác chống kẹt xe, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại TP.HCM” – ông Cường nói

“Tôi rất vui và thấy phấn khởi khi nhận được giấy khen của Sở GTVT TP.HCM. Đây là sẽ là động lực để tôi tiếp tục công việc điều tiết giao thông, giải cứu kẹt xe của mình”, anh Linh chia sẻ.

Thái Thịnh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hiep-si-giao-thong-11-nam-giai-cuu-ket-xe-63041.html

In bài viết