Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Tổng hợp sức mạnh để bứt phá

15:39 | 17/01/2019

Chiều 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.

Với chuỗi 3 Hội thảo quan trọng và một phiên Đối thoại chính sách cấp cao, Diễn đàn bàn luận về các vấn đề lớn của kinh tế đất nước, nhận diện xu thế cùng những cơ hội và thách thức, từ đó gợi mở định hướng cho thời gian tới.

Cụ thể, các hội thảo bàn về các chuyên đề “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”; chuyên đề “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”; và chuyên đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”.

Sức ép "bứt phá"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm vào phương châm hành động của Chính phủ năm nay hai từ "bứt phá" và kêu gọi cả bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương hợp lực. Theo Thủ tướng, muốn có bứt phá, thì điều cốt tử, là đoàn kết, chung lòng, chung sức.

Có thể nói, chưa bao giờ Chính phủ phải đứng trước sức ép lớn như bây giờ và cần được chia sẻ nhiều như bây giờ. Đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình bày tỏ, "chúng ta đều có chung một mục tiêu là phục vụ cho Đảng, cho lợi ích của nhân dân, cho sự phát triển của đất nước".

dien dan kinh te viet nam 2019 tong hop suc manh de but pha

Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 (năm 2018) - Ảnh: TTXVN.

Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” (chiều17/1) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì. Các vị Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam sẽ có các bài trình bày quan trọng về: Kinh tế Việt Nam năm 2018, triển vọng năm 2019 và một số khuyến nghị về phát triển kinh tế trong trung hạn.

Nhìn lại, 2018 vừa qua là một năm chứng kiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề mới nảy sinh và cũng cho thấy nhiều thách thức trong hoạch định chính sách của các nhà quản lý.

Việt Nam đã hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 7,08% là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất siêu lập kỷ lục (hơn 6,89 tỷ USD), cao nhất trong 10 năm qua; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%…

Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những chính sách, chỉ đạo đúng đắn và phát huy hiệu quả của Chính phủ của thời gian qua, cũng cho thấy thách thức trong thời gian tới để giữ vững và đạt được thành tích tốt hơn.

Đặc biệt, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Hiệp định CPTPP vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, dự báo sẽ có những chuyển biến về chính sách trong thời gian tới. Cộng đồng kinh doanh sẽ có những cơ hội cũng như thách thức khi Hiệp định này bắt đầu phát sinh hiệu lực ở nước ta, nhất là khi các cam kết bắt đầu được nội luật hóa.

Truyền cảm hứng mạnh mẽ

Trong khi đó, thế giới cũng như Việt Nam chứng kiến sự phát triển công nghệ mạnh mẽ ở kỷ nguyên số hoá, kéo theo đó là những thay đổi trong phương thức kinh doanh trong nền kinh tế.

Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý, nhất là khi chúng ta vẫn còn áp dụng tư duy cũ để quản lý các hoạt động kinh doanh hiện tại. Chính sách sẽ là động lực hay rào cản cho các hoạt động kinh doanh trong thời đại này phụ thuộc rất lớn vào tư duy chính sách của các nhà quản lý hiện tại.

dien dan kinh te viet nam 2019 tong hop suc manh de but pha

Năm 2018 đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh.

Trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2018 cũng đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh.

Được tổ chức ngay trong những ngày đầu của năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 không chỉ là kênh đối thoại thường niên về chính sách, cho Chính phủ cơ hội lắng nghe hiến kế từ đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, mà Diễn đàn này, sẽ truyền cảm hứng mãnh liệt cho người dân, doanh nghiệp khí thế bước vào năm mới, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để thực sự tạo ra được sự bứt phá cho nền kinh tế vươn lên.

Qua hai kỳ tổ chức vào các năm 2017 và 2018, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm tổ chức cũng như xác định rõ các mục tiêu trọng điểm, bức thiết nhất cần phải tập trung khai thác trong vô số những vấn đề kinh tế đang đặt ra. Từ những kinh nghiệm đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 được mở rộng về cả quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự…

Nếu như hai Diễn đàn lần thứ nhất và lần thứ hai lần lượt thu hút khoảng 850 và 1.500 đại biểu tham dự, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ ba dự kiến thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên hội thảo chuyên đề và đối thoại chính sách.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm...

H.L (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dien-dan-kinh-te-viet-nam-2019-tong-hop-suc-manh-de-but-pha-62974.html

In bài viết