Doanh nghiệp Việt Nam có thể được, mất gì từ CPTPP?

18:03 | 18/01/2019

TĐO - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang tới cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với một số lĩnh vực, ngành hàng.

Đó là ý kiến chung tại hội thảo "CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay thách thức" vừa diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Công thương, VnExpress, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp tổ chức, thu hút hàng trăm đại biểu tham dự, với chủ đề đánh giá, phân tích chuyên sâu tác động của CPTPP với doanh nghiệp trong nước.

Từ ngày 14/1, hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Với sự tham gia của 11 nền kinh tế, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, CPTPP mở ra thời kỳ hội nhập kinh tế mới, tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu dân, chiếm tỷ trọng 13% so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao. Hiệp định này hướng tới những lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, đồng thời xử lý nhiều vấn đề mới, phi truyền thống... Tất cả sẽ tạo ra nhiều cơ hội, song hành với đó là những thách thức to lớn với các DN, ngành hàng của Việt Nam.

Nhiều cơ hội và thách thức từ CPTPP

Nhận định về tác động của CPTPP đối với Việt Nam, bà Phạm Quỳnh Mai – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công thương, nhấn mạnh, các nước tham gia CPTPP sẽ từng bước hoặc lập tức xoá bỏ gần như toàn bộ hàng rào thuế quan đối với nhiều ngành hàng. Điều này sẽ mang tới lợi ích cho nhiều sản phẩm như giày dép, thuỷ sản, gạo, cà phê, hạt tiêu… Tuy nhiên, theo bà, CPTPP cũng tạo áp lực lớn về cạnh tranh đối với các sản phẩm nông sản, giấy, thép… của DN Việt Nam.

doanh nghiep viet nam co the duoc mat gi tu cptpp

Chuyên gia Kinh tế Bùi Kim Thuỳ chia sẻ về CPTPP. Ảnh: Giang Huy.

Chia sẻ về thách thức khi tham gia CPTPP, Chuyên gia Kinh tế Bùi Kim Thuỳ, nguyên thành viên Đoàn đàm phán các FTA của Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), dự báo: Trong những ngành hàng đang có thế mạnh của Việt Nam, ngành dệt may sẽ chịu tác động lớn nhất, gặp nhiều khó khăn nhất vì phải đáp ứng những quy tắc xuất xứ hàng hoá. Bà Bùi Kim Thuỳ đặc biệt nhấn mạnh, CPTPP là hiệp định FTA duy nhất Việt Nam tham gia có chương dệt may đứng riêng, không bị ghép chung với chương nào khác.

Nếu nắm bắt được cơ hội, đáp ứng đầy đủ quy tắc xuất xứ, ngành dệt may có thể được hưởng lợi rất nhiều từ CPTPP. Trước hết là ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Từ đó sẽ khuyến khích sản xuất/tìm kiếm nguyên liệu trong nước; kích thích hoàn thiện chuỗi sản xuất trong nước; lấp đầy các khâu mà Việt Nam còn thiếu và yếu; tạo thêm việc làm cho người lao động; nâng cấp hệ thống kỹ thuật từ đó hoàn thiện chuỗi cung ứng giá trị cho ngành dệt may Việt Nam – bà Thuỳ cho hay.

Cùng quan điểm như trên, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định CPTPP mở ra cơ hội gia nhập thị trường mới. CPTPP cũng sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn. Tuy nhiên, theo ông Cẩm, quy định xuất xứ từ sợi cũng như yêu cầu về vải đã đánh trúng vào “điểm nghẽn” của ngành khi DN dệt may vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải... Lĩnh vực may dù là thế mạnh của Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam, nhà cung ứng dịch vụ chăn nuôi, một số ngành như chăn nuôi có thể gặp phải rủi ro do hạn chế về năng lực cạnh tranh. Ông Trí lấy ví dụ: Việt Nam sản xuất khoảng 5,2 triệu tấn thịt gia súc, gia cầm, năng lực sản xuất cao hơn năng lực tiêu dùng trong nước. Tuy vậy, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn đang tăng và cao hơn so với kim ngạch xuất khẩu.

doanh nghiep viet nam co the duoc mat gi tu cptpp

Ông Nguyễn Cao Trí đề xuất nhiều giải pháp cho ngành chăn nuôi. Ảnh: Giang Huy.

Năng lực cạnh tranh của ngành không đủ lớn, nguyên nhân là giá chưa cạnh tranh, hiệu suất và năng suất chưa cao. Nguyên liệu đầu vào chiếm 60 - 65% chi phí ngành, nhưng 80 - 90% phải nhập khẩu, nguồn giống chưa cho năng suất cao, chưa có hệ thống quản lý trang trại tối ưu. Hệ thống chuồng trại manh mún, chủ yếu là trang trại hộ gia đình. “Sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng chất lượng để xuất sang các nước phát triển”, ông Trí cho hay.

DN Việt Nam cần làm gì?

Theo Chuyên gia Bùi Kim Thuỳ, các DN trong nước cần hiểu rõ về quy tắc xuất xứ mà CPTPP áp dụng để có những điều chỉnh hợp lý, tận dụng tối đa ưu đãi. Cụ thể, quy tắc linh hoạt (De Minimis) của CPTPP cho phép thành phẩm dù vi phạm xuất xứ 10% nhưng vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt. Doanh nghiệp được vi phạm 10% về giá trị đơn hàng, riêng ngành dệt may được hưởng vi phạm 10% về trọng lượng. De Minimis chỉ không áp dụng với một số nguyên liệu sử dụng để sản xuất bơ sữa và các sản phẩm bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả và một số loại dầu ăn.

doanh nghiep viet nam co the duoc mat gi tu cptpp

Hội thảo về CPTPP thu hút đông đảo người tham gia. Ảnh: Trọng Sang.

Đối với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, các DN phải hiểu về CPTPP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may từ đó nhận ra thế mạnh, lợi thế của mình trong CPTTP để đánh đúng thị trường. Muốn giải quyết được “điểm nghẽn” là quy định xuất xứ từ sợi, các DN mạnh phải liên kết với nhau, xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo nguồn ngân lực.

Song song với đó, cũng cần có sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và các địa phương. Theo ông Cẩm, Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành dệt may trong 10 – 15 năm tới để tận dụng cơ hội từ CPTPP. Ông Cẩm nhấn mạnh: “Hiện một số địa phương quay lại với dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm nhưng nhiều dự án của các nhà đầu tư danh tiếng, có đầy đủ yêu cầu đã không được cấp phép. Vì vậy, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để tạo điều kiện cho các DN”.

Đề xuất giải pháp cho ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Cao Trí khuyến nghị các DN cần cung cấp hệ thống chuồng trại thiết kế chuyên nghiệp, độ bền cao để phục vụ lĩnh vực chăn nuôi tốt hơn. Theo ông Trí, phải tối ưu và tự động hoá công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, cùng công nghệ kiểm soát môi trường bên trong. Ngoài ra, cần cải thiện con giống, kết hợp với nâng cao chất lượng dinh dưỡng.

Ông Đỗ Văn Huệ, Ủy viên Thường trực CLB Nông nghiệp CNC Việt Nam, đóng góp một số giải pháp cho ngành nông nghiệp: “Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Thời gian qua, ngành mới tháo gỡ được phần nào về vùng nguyên liệu giờ mới đến phần chế biến. Nếu ngành nông nghiệp vẫn còn áp dụng công nghệ cũ thì không thể xuất khẩu”.

Ông Huệ cho biết đa số các DN nông nghiệp vẫn chưa thể chủ động được thị trường mà đang chờ khách nước ngoài đến đặt hàng, gia công. Có những sản phẩm ở nước ngoài cần nhưng trong nước không biết, DN Việt không nắm được thông tin nên không đưa sản phẩm sang và đây là điều rất rủi ro, bị động. Các DN cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu các thị trường lớn, mang sản phẩm đến tận nơi chào hàng – ông Huệ nhấn mạnh.

Ngọc Linh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doanh-nghiep-viet-nam-co-the-duoc-mat-gi-tu-cptpp-62971.html

In bài viết