Thủy sản tiếp tục giữ vai trò kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau

22:56 | 08/01/2019

TĐO- Tổng sản lượng thủy sản đạt 550.000 tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ; lĩnh vực thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.

Ngày 8/1, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết kinh tế - xã hội năm 2018 và triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của doanh nghiệp, người dân. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại.

thuy san tiep tuc giu vai tro kinh te mui nhon cua tinh ca mau

Lĩnh vực thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2018 có một số kết quả nổi bật, tăng trưởng GRDP đạt 7% so cùng kỳ; GRDP bình quân đầu người đạt 1.880 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 12.300 tỷ đồng, tăng 8,2% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 4.714 tỷ đồng, vượt 512 tỷ đồng so với dự toán. Cơ cấu kinh tế khu vực ngư, nông, lâm nghiệp tăng 7%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5%; khu vực dịch vụ tăng 8,1%; Lĩnh vực thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản lượng thủy sản đạt 550.000 tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm đạt 188.750 tấn, tăng 10,1% so cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 302.861 ha, trong đó có 280.000 ha nuôi tôm. Trong lĩnh vực công thương nghiệp phát triển khá theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,4% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.200 triệu USD đạt mục tiêu đề ra.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, từng bước phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; quan tâm, chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh nhà. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,04%, giảm 1,92% so với năm 2017. Chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo người có công, người nghèo và đồng bào dân tộc được thực hiện tốt; cơ sở vật chất y tế tiếp tục phát triển với 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp còn nhỏ lẻ; chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để khai thác các tiềm năng của tỉnh, nhất là du lịch, cảng biển, năng lượng tái tạo; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn…

Hà Vy

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thuy-san-tiep-tuc-giu-vai-tro-kinh-te-mui-nhon-cua-tinh-ca-mau-62951.html

In bài viết