Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

10:17 | 30/10/2018

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính trong 10 tháng năm 2018, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 52,9 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 39,2 tỷ USD, tăng 2,1%. Thị trường ASEAN đạt 26 tỷ USD, tăng 13,1%, xếp ở vị trí thứ 4. Tiếp nữa là Nhật Bản đạt 15,5 tỷ USD, tăng 14,6%; EU đạt 11,2 tỷ USD, tăng 12,1%; Hoa Kỳ đạt 10,6 tỷ USD, tăng 37,5%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2018 ước tính đạt 20,70 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,15 tỷ USD, tăng 8,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,55 tỷ USD, tăng 4,4%.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Phân bón tăng 32,6%; cao su tăng 28,5%; thủy sản tăng 17,7%; kim loại thường tăng 16%; xe máy tăng 14,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 7,4%; đặc biệt là nhập khẩu dầu thô tăng mạnh 163,1%, chủ yếu do phục vụ sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

trung quoc tiep tuc la thi truong nhap khau lon nhat cua viet nam

Mặt hàng điện tử có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong 10 tháng qua. Ảnh minh họa Internet.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 10/2018 tăng 13,6%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 14,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Chất dẻo tăng 23,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 16%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,9%.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,50 tỷ USD, tăng 12%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 116,34 tỷ USD, tăng 11,7%.

Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong 10 tháng: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 34,6 tỷ USD, tăng 13,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 27,5 tỷ USD, giảm 2%; điện thoại và linh kiện đạt 12,6 tỷ USD, giảm 1,6%; vải đạt 10,5 tỷ USD, tăng 12,9%; sắt thép đạt 8,3 tỷ USD, tăng 10,6%; chất dẻo đạt 7,4 tỷ USD, tăng 19,3%; xăng dầu đạt 6,8 tỷ USD, tăng 20%; kim loại thường đạt 6,2 tỷ USD, tăng 29,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 4,8 tỷ USD, tăng 4,6%; hóa chất đạt 4,2 tỷ USD, tăng 25,9%.

Trọng Sang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/trung-quoc-tiep-tuc-la-thi-truong-nhap-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-62762.html

In bài viết