Bà Rịa-Vũng Tàu: Có dấu hiệu trốn thuế trong chuyển nhượng vốn góp công ty?

14:00 | 24/10/2018

TĐO-Theo phản ánh, đã hơn 1 năm trôi qua mà các thành viên Hội đồng quản trị của Công ty TNHH Thương mại và du lịch Vũng Tàu vẫn không chịu bàn giao sổ sách, chứng từ kế toán và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp mặc dù đã kí hợp đồng chuyển nhượng 100% phần vốn góp của mình cho Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh.

Vốn đã chuyển xong mà thuế chưa khai xong?

Theo hồ sơ vụ việc, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Vũng Tàu (Cty Vũng Tàu cũ) được thành lập ngày 16/11/1992 với vốn điều lệ 40 tỷ. Các thành viên có tỉ lệ vốn góp gồm: Ông Nguyễn Văn Khương 23,5%, Nguyễn Văn Hảo 25,1%, Nguyễn Tiến Dũng 39,3%; bà Nguyễn Thị Thoa 6,8%, Đỗ Thị Chiên 23,5%.

Năm 2012, Cty Vũng Tàu cũ được tách ra thành Cty TNHH Dịch vụ - Thương mại và du lịch Vũng Tàu (Cty Vũng Tàu mới) cùng Cty TNHH Sản xuất – Xây dựng - Du lịch thành phố.

ba ria vung tau co dau hieu tron thue trong chuyen nhuong von gop cong ty

Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của 5 thành viên cũ Cty Vũng Tàu.

Ngày 12/1/2017, Cty Vũng Tàu cũ đồng ý kí Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho Tập đoàn Anh Vinh với giá chuyển nhượng là 12 tỷ đồng. Tập đoàn Anh Vinh sau đó đã thanh toán 80% số tiền chuyển nhượng phần vốn góp cho 5 thành viên Cty Vũng Tàu cũ. Số 20% còn lại, hai bên thống nhất Tập đoàn Anh Vinh chuyển vào tài khoản bảo đảm. Sau khi cơ quan thuế phê duyệt kết quả quyết toán thuế năm 2016 của Cty Vũng Tàu cũ sẽ chuyển nốt cho 5 thành.

Thế nhưng, theo phản ánh của ông Trần Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và du lịch Vũng Tàu (Công ty Vũng Tàu mới) – năm 2012 Công ty Vũng Tàu cũ được tách ra thành Công ty Vũng Tàu mới và Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng – Du lịch thành phố, ban lãnh đạo của Công ty Vũng Tàu cũ đã không chịu bàn giao sổ sách, chứng từ kế toán và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Cùng với đó, ông Phương còn cho rằng, 5 thành viên Công ty Vũng Tàu cũ khi chuyển nhượng phần vốn góp của mình đã không kê khai và nộp thuế TNCN với thuế suất 20%. Theo luật định, thời hạn nộp tờ kê khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10, kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng vốn có hiệu lực.

Ông Phương bức xúc cho biết thêm: “Đặc biệt, các thành viên góp vốn của Cty Vũng Tàu cũ đã gian dối khi cam kết không nợ thuế Nhà nước. Nhưng thực tế sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng vốn góp thì chúng tôi nhận được thông báo của Chi Cục thuế huyện Côn Đảo yêu cầu nộp tương đương 2,9 tỷ đồng. Trong đó, Ban lãnh đạo của Cty Vũng Tàu mới đã nộp tương đương 1,6 tỷ”.

Nghi vấn trốn thuế?

Qua xác minh thông tin về việc kê khai nộp thuế TNCN của 5 thành viên Cty Vũng Tàu cũ tại Chi Cục thuế thành phố Vũng Tàu, Chi cục thuế huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT và Chi cục thuế huyện Côn Đảo thì cả 3 nơi này đều thông tin, kiểm tra trên mạng Ngành, chưa thấy cả 5 thành viên Cty Vũng Tàu cũ gồm: ông Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Tiến Dũng, bà Nguyễn Thị Thoa, Đỗ Thị Chiên làm thủ tục kê khai và đóng thuế TNCN.

Theo ông Nguyễn Văn Khương, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng – Du lịch TP, một trong những thành viên của Cty Vũng Tàu cũ cho biết, việc chậm trễ trong bàn giao sổ sách, chứng từ kế toán và quyết toán thuế là đúng. Nguyên nhân là do vẫn chưa làm xong các thủ tục với các cơ quan thuế và hiện những thành viên của Cty Vũng Tàu cũ vẫn đang làm các thủ tục liên quan.

Luật sư Lê Thị Mai Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích: Theo quy định về việc kê khai thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn (trừ chuyển nhượng chứng khoán), thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực…

Thạc sỹ, luật sư Phan Mạnh Thăng - Đoàn Luật sư TP.HCM thì cho hay theo điểm a, khoản 4, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải chịu thuế thu nhập cá nhân cụ thể như sau:

Thứ nhất, nguồn thu nhập này sẽ được tính thuế theo từng lần phát sinh.

Thứ hai, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ (-) giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Thứ ba, thời điểm để xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm giao dịch chuyển nhượng vốn hoàn thành. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Thứ tư, thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.

Thứ năm, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế là ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh doanh thu tính thuế.

Trong trường hợp, không thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế nêu trên, tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị xử lý theo một trong hai hướng như sau:

Thứ nhất, căn cứ khoản 6, Điều 9, Thông tư 166/2013/TT-BTC quy định về xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ hai, trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính về thuế, nếu xét thấy đối tượng vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu điều tra, làm rõ những dấu hiệu sai phạm của các thành viên nêu trên và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Báo Thời đại sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguyễn Hiếu

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ba-ria-vung-tau-co-dau-hieu-tron-thue-trong-chuyen-nhuong-von-gop-cong-ty-62735.html

In bài viết