Giấy phép con cho doanh nghiệp: “Không bao lót đừng hòng người ta cho”

15:32 | 16/10/2018

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý các bộ ngành khi đưa ra quy định phải bám vào thị trường, đừng đặt ra thủ tục, giấy phép con. Bộ trưởng đề nghị các bộ phải tháo gỡ cho doanh nghiệp chứ không phải trói chặt hơn.

Sáng nay, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ ngành về cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn chứng dự thảo sửa đổi nghị định 86 năm 2014 của Bộ GTVT về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô còn nhiều bất cập.

Cụ thể như quy định xử lý vi phạm, 7 ngày liên tục vi phạm thì thu hồi phù hiệu: “Vậy thì lái xe vi phạm 6 ngày, ngày thứ 7 nghỉ, ngày thứ 8 vi phạm thì xử lý như thế nào. Quy định như thế là tạo kẽ hở”.

Ông cũng lo ngại trước quy định DN phải đến Sở GTVT để được cấp phù hiệu tăng cường: “DN phải đến Sở 52 lần 1 năm thì còn thời gian đâu làm việc nữa”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý dự thảo này đưa ra rất nhiều thủ tục khó và phức tạp hơn quy định cũ và đề nghị các cơ quan soạn thảo lưu ý phải nghe 2 tai, hiệp hội nói có lý thì phải tiếp thu ngay.

giay phep con cho doanh nghiep khong bao lot dung hong nguoi ta cho

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

Doanh nghiệp đến sở 52 lần/năm

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cũng đề nghị bỏ quy định cấp phù hiệu tăng cường. “Quy định thời gian của phù hiệu tăng cường cuối tuần 'không quá 3 ngày', như vậy DN sẽ phải đến Sở GTVT 52 lần/năm”, ông nhấn mạnh.

Nhiều quy định khác trong dự thảo của Bộ GTVT cũng được ông Hùng chỉ ra bất cập. Điển hình như việc luật Giao thông đường bộ có 5 loại hình vận tải nhưng quy định dự thảo chỉ áp dụng công nghệ đối với 2 loại hình.

“Do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, các DN vận tải và lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, 'bảo kê' cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lợi bất chính, gây mất an toàn giao thông”, ông nêu.

Theo ông Hùng, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghệ 4.0.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu ở các nước nhưng không hiểu sao lại không áp dụng. Điều này khiến dư luận nghi ngờ có sự thiếu khách quan, cố tình tạo kẽ hở trong xây dựng chính sách vì lợi ích nhóm”, ông Hùng băn khoăn.

Ông đề nghị cần xác định cụ thể thời gian áp dụng đối với 5 loại hình vận tải kết nối với thiết bị giám sát hành trình (GPS) và phần mềm công nghệ quản lý vận tải, phải chuyển dữ liệu về Tổng cục Đường bộ quản lý.

Ông Hùng cũng cho rằng, hiện nay có một số ý kiến cố tình đánh tráo khái niệm về taxi, cho rằng xe ô tô chở khách hoạt động kiểu Uber, Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử.

"Tòa án Công lý Châu Âu, ý kiến của Bộ Tư pháp cùng tất cả các chuyên gia và toàn xã hội đều khẳng định thực chất đó là xe taxi điện tử. Vì cách gọi qua tổng đài điện thoại hay qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay bằng phần mềm chỉ là hình thức của thủ tục, điều có giá trị tương đương chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải”, ông Hùng dẫn chứng.

Thủ tục như rừng nay đã có tiến bộ

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhắc lại thời gian qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế và với phương án các bộ đã trình, chúng ta sẽ cắt trên 60% các thủ tục, điều kiện kinh doanh, vượt mục tiêu đề ra là 50%.

“Đánh giá về công tác này còn nhiều ý kiến, nhưng phải ghi nhận Bộ Tài chính đã đi đầu trong cải cách mạnh mẽ hành chính thuế, hải quan. Bộ Công Thương cũng tiên phong trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, rồi nhiều bộ khác như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế… Nếu trước đây thủ tục kiểm tra chuyên ngành như rừng rậm, vào không biết lối ra thì nay đã có tiến bộ, được doanh nghiệp ghi nhận, các tổ chức quốc tế đều thăng hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh”, Bộ trưởng nêu rõ.

giay phep con cho doanh nghiep khong bao lot dung hong nguoi ta cho

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác cũng khẳng định, còn phải quyết tâm rất mạnh mẽ mới đạt được kết quả như kỳ vọng. Kết quả kiểm tra cho thấy có nhiều bộ vượt chỉ tiêu nhưng có bộ chưa đạt chỉ tiêu. Với những bộ chưa hoàn thành, phải hoàn thiện các dự thảo nghị định để VPCP thẩm tra kỹ lưỡng, báo cáo Thủ tướng ký ban hành chậm nhất trước ngày 30/10.

Nhấn mạnh sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các Bộ, sự thay đổi nhận thức, tinh thần gạt bỏ lợi ích của các nhóm nào đó để phát triển đất nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng cần tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia một cách nghiêm túc.

“Như khi ban hành Nghị định cắt bỏ các điều kiện kinh doanh gas, có người nhắn tin cho tôi nói họ mừng phát khóc, mà tôi không biết họ là ai cả. Trước đây quy định phải có từng này bình gas mới được kinh doanh, rồi phòng rộng bao nhiêu, thế thì ở miền núi, hải đảo kinh doanh làm sao? Tương tự là quy định xuất khẩu gạo phải có kho bao nhiêu mét vuông. Quan trọng nhất là doanh nghiệp có năng lực, giá cả cạnh tranh”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, trong các dự thảo nghị định còn rất nhiều ý kiến cần tiếp thu. Bộ trưởng giao các vụ, cục của VPCP tiếp thu các ý kiến, khi rà soát không để lọt, nếu để lọt phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước Thủ tướng. Tinh thần là phải bảo đảm quản lý nhà nước, an ninh quốc gia, sức khỏe, tính mạng người dân, môi trường... nhưng vẫn phải cải cách.

Bộ trưởng cũng lưu ý về cách làm, cán bộ của các bộ trực tiếp ngồi với các vụ, cục của VPCP “sửa từng câu chữ để bảo đảm không hiểu hai nghĩa”, không công văn qua lại.

Tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chốt lại, những gì không tuân thủ thị trường thì yêu cầu phải bỏ. Ví dụ phù hiệu tăng cường để áp dụng ngày lễ, tết là không cần thiết. Thực tế nếu có khách thì đương nhiên DN vẫn chạy, còn có phù hiệu tăng cường mà không có khách thì họ cũng không chạy.

“Phải bám vào thị trường, đừng đặt ra các thủ tục, giấy phép con để DN phải đến Sở GTVT mới có giấy phép. Giấy phép mà không có bao lót đừng hòng người ta cho, không hẹn trước đừng hòng gặp”, Bộ trưởng Mai Tiến đề nghị bỏ quy định này và lưu ý Bộ GTVT làm sao tháo gỡ cho DN chứ không phải trói chặt hơn.

Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, sau ngày 30/10, phải có đánh giá về đợt cải cách này, như cắt giảm bao nhiêu thủ tục, điều kiện, đơn giản hóa bao nhiêu, mỗi thủ tục được cắt giảm liên quan tới bao nhiêu lô hàng…, cuối cùng là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền bạc cho doanh nghiệp.

“Như WB ước tính trong năm 2017, với trên 11 triệu tờ khai, các doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu năm nay chúng ta hoàn thành được các yêu cầu cắt giảm này thì chi phí tiết kiệm được còn nhiều hơn nữa”, Bộ trưởng cho biết và khẳng định những kinh nghiệm trong đợt cải cách này sẽ là cơ sở để năm 2019 tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn.

Đ.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giay-phep-con-cho-doanh-nghiep-khong-bao-lot-dung-hong-nguoi-ta-cho-62691.html

In bài viết