Bỏ cơ chế "xin-cho" doanh nghiệp Nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả?

16:50 | 18/09/2018

TĐO - Đó là một trong những chủ đề chính của buổi toạ đàm “Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 18/9.

Tham dự buổi toạ đàm, có: Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, ông Phùng Văn Hùng – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm xác định rõ thực trạng về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trong hệ thống khung pháp lý về doanh nghiệp, quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước nói chung hiện nay và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Chính phủ.

Theo ý kiến của các chuyên gia, khách mời, tư duy - thói quen của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay còn chưa thay đổi triệt để, môi trường kinh doanh của nước ta hiện chưa thực sự bình đẳng. DNNN nhận được nhiều ưu đãi, hoạt động kém hiệu quả, không hiệu quả, thậm chí là thua lỗ từ đó dẫn tới tình trạng vẫn cần tới nhà nước hỗ trợ. Nhiều người cho rằng, DNNN là “sân sau” của các Bộ, ngành chủ quản và chính cơ quan chủ quản đó lại dựa vào DNNN để thu về lợi ích và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Dù tích cực thay đổi, cải cách nhưng tình trạng này vẫn chưa được thay đổi triệt để.

Lấy dẫn chứng Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa đề xuất một số ưu đãi chính sách cho hoạt động sản xuất kinh doanh vì làm ăn chưa hiệu quả, ông Phùng Văn Hùng nêu ý kiến, đóng góp của các doanh nghiệp đều nên được hoan nghênh, tuy vậy cũng cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết sách. Nếu như kiến nghị mà Vinachem đưa ra là hợp lý, thúc đầy các doanh nghiệp trong nước cải thiện tình hình kinh doanh, tạo điều kiện cho bà con nông dân thì có thể xem xét đưa vào thực hiện. Ông Hùng nhận định, DNNN trước nay vốn dựa vào nhiều ưu đãi từ vốn tới đất đai. Vì thế, họ ít chú trọng tới đầu tư cho sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh nên khi Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, sẽ khó cạnh tranh với hàng hoá bên ngoài. DNNN phải thấm nhuần quan điểm không thể dựa dẫm mãi vào Nhà nước mà phải tự đi lên bằng chính nội lực của mình – ông Hùng nhấn mạnh.

bo co che xin cho doanh nghiep nha nuoc se hoat dong hieu qua

Các vị khách mời trả lời câu hỏi tại buổi toạ đàm. Ảnh Trọng Sang.

Về vấn đề cơ chế "xin – cho" của các tập đoàn, DNNN hiện nay, dẫn tới sự mất cân bằng trong môi trường kinh doanh, các khách mời đều nhất trí cần phải chấm dứt cơ chế xin – cho, “có luật thì phải làm theo luật”. Chính vì không bình đẳng, không minh bạch nên mới nảy sinh ra tình trạng tham ô, tham nhũng và phải kiên quyết thực hiện cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp – các vị khách mời nhấn mạnh. Đối với Vinachem, đây không phải trường hợp duy nhất hoạt động kém hiệu quả và đề xuất cơ chế riêng. Mặt khác, thuế chỉ là một trong những giải pháp, nên cần có biện pháp xử lý kịp thời, hợp lý, tránh gây ra mất bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

Dư luận đang rất quan tâm tới việc xử lý 12 đại dự án chậm tiến độ, thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của Bộ Công Thương. Theo Cục trưởng Đặng Quyết Tiến, sau gần 1 năm rà soát, kiểm tra, đánh giá, tình hình đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, 2 dự án đã bắt đầu có lãi, 4 dự án giảm lỗ, các dự án khác cũng được cải thiện. Tuy nhiên, 12 dự án này còn rất khó khăn, có dự án bắt buộc phải chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác. Quan trọng nhất, theo ông Tiến, là phải minh bạch, công khai tình hình kinh doanh. Cũng theo ông Tiến, cho giải thể, phá sản một số dự án cũng có thể coi là giải pháp hợp lý, tuỳ theo tình hình cụ thể.

Ông Phùng Văn Hùng nhận định: Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, 12 đại dự án nói trên hoạt động kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần thiết phải nắm giữ, vì thế càng thoái vốn càng tốt nếu đang hoạt động kém hiệu quả. Dù vậy, vấn đề pháp lý, thủ tục, quy trình vẫn còn nhiều vướng mắc: Xác định giá, xử lý quyền sử dụng đất, giá đất như thế nào, quan hệ với tổng thầu… Chính vì khó khăn trong pháp lý, nên khó tìm nhà đầu tư thích hợp. “Nếu chưa xử lý được thì chưa bán được cho ai” – ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, 2 vị khách mời còn lại cũng cho rằng, cần phải hoàn tất các thủ tục, quy trình pháp lý trước khi bán cho tư nhân. Đặc biệt, với đối tượng tư nhân nước ngoài, cần phải hết sức thận trọng, đảm bảo an ninh quốc gia, môi trường kinh doanh trong nước.

Một trong những ý kiến được chú ý trong thời gian qua là có nên “bán” DNNN cho tư nhân để đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo Cục trưởng Tiến, để trả lời câu hỏi này, cần làm rõ: quy trình có đúng luật hay không? Sản phẩm của doanh nghiệp sau CPH có đầu ra hay không, có lợi nhuận hay không? Liệu có cân bằng được vốn đầu tư hay không? Ông Tiến nhấn mạnh: trách nhiệm của các Bộ, ngành là phải đánh giá, xem xét lại toàn bộ để tránh CPH xong vẫn không hoạt động hiệu quả như mong muốn.

Trong vài năm qua, tốc độ CPH các DNNN đã bắt đầu chậm lại. Theo Cục trưởng Đặng Quyết Tiến, đây là kết quả từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là do CPH đòi hỏi quyết tâm cao của chính doanh nghiệp, các Bộ ngành và Nhà nước. Thứ hai, CPH doanh nghiệp luôn có nhiều vấn đề, quy trình, thủ tục nên có thể dẫn tới chậm trễ. Ông Tiến đề nghị các DNNN cần mổ xẻ, tìm giải pháp cho từng vấn đề, cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nghị quyết để Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đi vào hoạt động, tiến tới CPH nhanh và hiệu quả hơn.

bo co che xin cho doanh nghiep nha nuoc se hoat dong hieu qua

Buổi toạ đàm được tổ chức vào sáng 18/9. Ảnh Trọng Sang.

Các vị khách mời đều nhất trí, để DN trong nước CPH và nâng cao hiệu quả kinh doanh, vấn đề minh bạch, công khai cần phải được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, việc tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những bước đi quan trọng nhất.

“CPH là con đường hay nhất, đúng đắn nhất. Càng để lâu thì giá trị DN càng thấp đi. Đã đến lúc chúng ta không thể chần chừ”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh. Theo ông Hồ, những thành công như Vinamilk, Sabeco là ví dụ minh hoạ rõ nét nhất cho việc CPH sẽ mang lại cho DN nhiều thuận lợi như thế nào. Theo ông Hồ, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, một số thương hiệu có thể thay đổi hoặc mất đi, nhưng những thương hiệu quốc gia như Vinamilk, Sabeco sẽ luôn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư, nếu chúng ta khắc phục được những khó khăn chủ quan, nội tại.

Không chỉ tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, CPH và niêm yết trên TTCK còn là bước đi đầu tiên để các DNNN tăng cường năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động. Chuyên gia Lưu Bích Hồ cho rằng, khi niêm yết trên TTCK thì tính công khai minh bạch sẽ được nhấn mạnh. “Sức khoẻ” của doanh nghiệp sẽ được đo đếm, đánh giá, theo dõi để các nhà đầu tư quyết định có đầu tư hay không. Doanh nghiệp nào không niêm yết tức là có vấn đề gì đó không bình thường. Chính phủ cần xem xét để từng DNNN tuân thủ theo đúng quy định, ông Lưu Bích Hồ kết luận.

Đồng tình với ý kiến này, Cục trưởng Tiến cho hay: Chính phủ yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp sau CPH phải niêm yết trên TTCK, nếu không tuân thủ sẽ xử lý theo quy định. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ công bố công khai danh sách các DN chậm trễ hoặc không niêm yết, từ đó tạo sức ép để cơ quan quản lý xử lý và sẽ báo cáo Thủ tướng. Các DN sau CPH đều đã cho thấy sự thay đổi, chấp hành đúng cơ chế thị trường. “Doanh nghiệp sau CPH phải lên thị trường (chứng khoán), phải quyết liệt”, ông Tiến nhấn mạnh.

Kết thúc buổi toạ đàm, các vị khách mời đều đánh giá cao việc thành lập Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế Hồ, uỷ ban phải tập trung vào việc quản lý vốn, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” giống như một số Bộ, ngành trước đây và Chính phủ, các Bộ, ngành phải hỗ trợ thật mạnh để uỷ ban làm việc hiệu quả. Trong khi đó, ông Hùng cho rằng, trách nhiệm của uỷ ban là rất lớn, vì thế cần phải đảm bảo tính chủ động: chủ động ra quyết định, chủ động, xử lý nhanh gọn. Về phần mình, Cục trưởng Tiến khẳng định khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện để uỷ ban hoạt động hiệu quả, độc lập. “Bộ, ngành sẵn sàng đồng hành cùng ủy ban”, ông Tiến cam kết.

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bo-co-che-xin-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-se-hoat-dong-hieu-qua-62500.html

In bài viết