PMI Việt Nam tháng 8/2018: Giảm nhẹ nhưng vẫn cao nhất ĐNA

12:14 | 04/09/2018

Theo Nikkei - IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) đạt 53,7 điểm trong tháng 8, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn đứng ở vị trí số 1 trong các nước ASEAN.

Theo số liệu công bố ngày 4/9 của Nikkei - IHS Markit, PMI (chỉ số tổng hợp về kết quả hoạt động của ngành sản xuất) tháng 8/2018 của Việt Nam đạt 53,7 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.

Sức khoẻ của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên trong 33 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, kết quả mới nhất đã giảm từ mức 54,9 điểm của tháng 7 và đã phản ánh mức cải thiện yếu nhất về các điều kiện hoạt động trong 4 tháng.

Các công ty sản xuất Việt Nam tiếp tục có số lượng đơn đặt hàng mới tăng kỷ lục trong tháng 8. Mặc dù tốc độ tăng đã giảm đi, mức tăng vẫn là mạnh với các báo cáo cho thấy nhu cầu khách hàng đang cải thiện.

pmi viet nam thang 82018 giam nhe nhung van cao nhat dna

Chỉ số PMI Việt Nam tháng 8/2018 giảm nhẹ so với tháng trước. Nguồn số liệu: Nikkei - IHS Markit.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong tháng, nhưng mức độ tăng nhỏ hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng đã giảm nhẹ trong 3 tháng liên tiếp.

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh đã giúp sản lượng ngành sản xuất tiếp tục tăng trong tháng. Mức tăng sản lượng trong tháng 8 là mạnh, mặc dù là chậm nhất kể từ tháng 4.

Việc làm đã tăng chậm lại, với tốc độ tạo việc làm trong tháng 8 là yếu hơn nhiều so với mức cao kỷ lục của tháng 6. Ở những nơi có lượng nhân viên tăng, nguyên nhân được cho là do khối lượng công việc tăng. Việc làm đã tăng liên tục theo tháng trong gần 2 năm rưỡi qua.

Những nỗ lực tăng hàng tồn kho nói chung đã mang lại kết quả. Tồn kho hàng mua đã tăng 5 tháng liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2. Tồn kho hàng thành phẩm cũng tăng và đây là lần tăng thứ hai liên tiếp.

pmi viet nam thang 82018 giam nhe nhung van cao nhat dna

Chỉ số PMI của Việt Nam tháng 8/2018 tiếp tục dẫn đầu các nước ĐNA được khảo sát. Nguồn số liệu: Nikkei - IHS Markit.

Giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ở những nơi có chi phí đầu vào tăng, nguyên nhân được cho là do giá nguyên vật liệu tăng và đồng Việt Nam giảm giá so với đồng đô la Mỹ. Chi phí đầu vào tăng đã góp phần làm tăng giá cả đầu ra.

Nikkei - IHS Markit đánh giá: Mặc dù nói chung vẫn tích cực, mức độ lạc quan của các nhà sản xuất Việt Nam giảm mạnh trong tháng 8, và đây là mức thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2012. Theo những người trả lời khảo sát, mức độ lạc quan tích cực đã phản ánh kỳ vọng về việc nhu cầu khách hàng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Trong khu vực ĐNA, Việt Nam tiếp tục là nước có chỉ số PMI cao nhất trong tháng 8, mặc dù có sự cải thiện chậm hơn trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá, theo Nikkei - IHS Markit. Philippines và Indonesia đứng ở vị trí thứ 2, khi cả 2 có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Tiếp đó là Malaysia, Thái Lan, Singapore và Myanmar.

Chỉ số PMI của các nước ASEAN trong tháng 8/2018 đạt 51 điểm, tăng nhẹ so với 50,4 điểm của tháng trước. Theo đó, ngành sản xuất ASEAN đã lấy lại đà tăng trưởng vào thời điểm giữa Quý III, với các điều kiện kinh doanh cải thiện nhanh hơn một chút so với tháng 7.

Trọng Sang (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/pmi-viet-nam-thang-82018-giam-nhe-nhung-van-cao-nhat-dna-62400.html

In bài viết