Án phạt đeo bám ngân hàng Royal Bank of Scotland

07:47 | 26/08/2018

Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đang khiến dư luận và giới chuyên môn cho rằng, Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) tiếp tục bị án phạt đeo bám.

Theo thông báo hôm 14/8 của DoJ, RBS sẽ phải chi 4,9 tỷ USD dàn xếp cáo buộc của Washington đối với ngân hàng này vì đã lừa dối các nhà đầu tư về chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp bất động sản trong giai đoạn 2005-2008. Đây là mức phạt lớn nhất từ trước đến nay mà DoJ từng áp đặt đối với một ngân hàng vì hành vi dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008.

Liên tiếp các án phạt

Washington cáo buộc RBS đã khiến các nhà đầu tư hiểu nhầm về bảo lãnh và phát hành chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp bất động sản, đánh giá thấp những rủi ro tiềm ẩn đối với nhiều khoản vay và cung cấp dữ liệu không chính xác.

Giới chuyên môn coi thông báo của DoJ đánh dấu sự kiện mới nhất trong các thỏa thuận quan trọng giữa Chính phủ Mỹ với các ngân hàng lớn trên thế giới về những hành vi sai trái trước đây của họ, là kết quả đạt được về nguyên tắc với RBS hồi tháng 5/2018.

an phat deo bam ngan hang royal bank of scotland

Chi nhánh của Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS)

Trước đó, RBS từng bị phạt 500 triệu USD với cáo buộc có những "hành động gian dối" trong hoạt động mua bán các khoản đầu tư thế chấp thời kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Việc này diễn ra sau khi RBS mới lần đầu tiên đạt lợi nhuận trước thuế (tháng 2/2018) kể từ năm 2008. Đáng nói là 8 năm trước, RBS cũng từng phải nộp phạt 500 triệu USD cho DoJ sau khi thừa nhận, ABN Amro, ngân hàng của Hà Lan được RBS mua lại năm 2007, đã vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, Libya, Sudan và Cuba.

Vì từng là ngân hàng lớn nhất thế giới trước khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra 10 năm trước (2008-2018), nên án phạt trị giá 500 triệu USD của RBS được quan tâm. Theo giới truyền thông, RBS thừa nhận bán cho các nhà đầu tư những khoản vay thế chấp bất động sản (mã RMBS) được hỗ trợ bởi những khoản cho vay thế chấp không tuân thủ các quy định tài chính. Và những khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khi các ngân hàng và thể chế tài chính sử dụng những khoản cho vay này để tạo ra những công cụ tài chính phái sinh mà chưa đánh giá đầy đủ về nguy cơ tiềm ẩn.

Trong thông báo đưa ra về khoản phạt kể trên, Tổng Chưởng lý bang New York Eric Schneiderman cho rằng, RBS đã bán cho khách hàng nhiều công cụ tài chính phái sinh kém chất lượng, như chứng khoán bảo đảm bằng RMBS, được hỗ trợ bằng những khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn tiềm tàng nhiều nguy cơ. Theo đó, RBS sẽ phải trả 100 triệu USD tiền mặt nộp trực tiếp cho bang New York và 400 triệu USD được hiện thực hóa thông qua các hình thức hỗ trợ khách hàng cho các cộng đồng và chủ sở hữu nhà ở New York chịu tổn hại từ hoạt động bán ra RMBS của ngân hàng.

Theo giới chuyên môn, tuy đã đạt được thỏa thuận với FHFA, để giải quyết vụ kiện liên quan tới vai trò trong cuộc khủng hoảng cho vay tài sản thế chấp 10 năm trước, nhưng RBS vẫn phải làm việc tiếp với DoJ xung quanh vấn đề kể trên. Ngoài số tiền trên, RBS còn phải xử lý các khoản phạt trị giá 151 triệu bảng Anh. Gần 2 năm trước, RBS từng chấp nhận nộp khoản tiền phạt trị giá 1,1 tỷ USD cho giới chức Mỹ để dàn xếp vụ bê bối tương tự.

an phat deo bam ngan hang royal bank of scotland

Trong tuyên bố đưa ra hôm 28/9/2016, RBS cho biết, khoản tiền phạt kể trên để dàn xếp 2 vụ kiện dân sự tại Mỹ. Và mức phạt này thấp hơn nhiều so với khoản phạt 14 tỷ USD mà Mỹ yêu cầu Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức, để giải quyết vụ kiện tương tự. Theo tờ Financial Times, Mỹ từng điều tra RBS vì nghi ngờ ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. 6 năm trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và DoJ từng điều tra RBS và việc này diễn ra sau khi ông Stephen Hester nắm quyền tại ngân hàng này một thời gian.

Những thăng trầm của RBS

Giới chuyên môn coi thỏa thuận với DoJ và nối lại việc chia cổ tức là 2 trong những cột mốc quan trọng của RBS để tái tạo niềm tin đối với nhà đầu tư. Theo thông báo từ trụ sở tại Edinburgh của RBS, họ sẽ trả cổ tức bình quân tạm thời là 2 pence Mỹ/cổ phiếu cho các cổ đông vào ngày 2/10/2018. RBS cũng cho biết, lợi nhuận đã “biến mất” trong quý 2/2018 vì phải trả khoản tiền nộp phạt gần 5 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ.

Gần 10 năm trước, RBS báo lỗ 34,2 tỷ USD, một con số chưa từng có trong lịch sử của ngân hàng này. Theo giải trình của RBS, khoản lỗ kể trên diễn ra một phần do mua lại cổ phần của ngân hàng ABN Amro. Được biết, RBS vẫn thuộc phần lớn sở hữu của Chính phủ Anh, nên London đã quyết định bán số cổ phần trị giá 2,6 tỷ bảng Anh trong ngân hàng này cho các tổ chức đầu tư. Quyết định kể trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi RBS thông báo đồng ý nộp phạt 4,9 tỷ USD theo yêu cầu của DoJ. Khi đó, UK Government Investments, cơ quan đảm trách việc quản lý số cổ phần của Chính phủ Anh trong RBS cho biết, sẽ bán khoảng 925 triệu cổ phiếu, tương đương 7,7% cổ phần để giải quyết “vấn nạn” kể trên.

an phat deo bam ngan hang royal bank of scotland

Theo giới truyền thông, Chính phủ Anh từng phải bán 5,4% cổ phần của RBS năm 2015 với giá 330 pence Anh/cổ phiếu, thấp hơn nhiều mức 502 pence Anh/cổ phiếu mà London đã chi để mua chúng. Hơn 3 năm trước, Bộ Tài chính Anh thông báo, London bắt đầu bán phần lớn cổ phiếu của họ tại RBS để lấy tiền trả nợ công. Giới chuyên môn cho biết, tuy từng nhận được gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng, nhưng RBS vẫn thua lỗ (khoảng 50 tỷ bảng Anh) và sa thải hơn 30.000 nhân viên.

Trong khi Mỹ đưa ra khoản phạt kể trên, Anh lại phải bán hầu hết cổ phần trong RBS. Bởi trước khoản phạt trị giá 500 triệu USD, RBS từng phải chấp nhận chi 5,5 tỷ USD để Cơ quan tài chính nhà ở liên bang Mỹ (FHFA) rút đơn kiện ngân hàng này. Trong thông báo đưa ra ngày 12/7/2017, RBS cho biết sẽ nhận khoản bồi hoàn trị giá 754 triệu USD “theo thỏa thuận bồi thường với các bên thứ ba”, sau khi chấp nhận chi 5,5 tỷ USD để khỏi phải hầu tòa.

"Thông báo hôm nay là bước tiến quan trọng để giải quyết một trong những vấn đề trúc trắc nhất mà RBS phải đối mặt. Giải quyết vấn đề này là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về những gì đã xảy ra với ngân hàng trước cuộc khủng hoảng tài chính và cái giả phải trả cho việc theo đuổi các tham vọng toàn cầu", ông Ross McEwan, Giám đốc điều hành RBS tuyên bố sau khi đã dàn xếp xong với FHFA. Đồng thời hy vọng có thể giải quyết tất cả các vấn đề tồn động kể trên để chính phủ Anh có thể đưa RBS trở lại khu vực tư nhân.

Hơn 3 năm trước, Bộ Tài chính Anh thông báo, bắt đầu bán phần lớn cổ phiếu của họ tại R​BS, nằm trong kế hoạch thoái vốn của London tại RBS để lấy tiền trả nợ công. Và do làm ăn thua lỗ triền miên nên RBS từng thông báo (tháng 12-2017) kế hoạch đóng cửa 62 chi nhánh RBS. Trước đó (tháng 3/2017), RBS thông báo đóng cửa 158 chi nhánh, sau khi đã chấm dứt hoạt động của 191 chi nhánh. Theo người phát ngôn RBS cho biết, từ năm 2014 số lượng khách hàng giao dịch tại các chi nhánh đã giảm 40%, trong khi số giao dịch qua điện thoại di động tăng 73%...

Đông Trù-Nhật Tân(tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/an-phat-deo-bam-ngan-hang-royal-bank-of-scotland-62347.html

In bài viết