Giám sát doanh nghiệp Nhà nước mờ nhạt theo kiểu "thầy bói xem voi"

14:00 | 20/07/2018

TĐO-Những bất cập trong cơ chế giám sát hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã tạo ra nhiều lỗ hổng, gây lãng phí, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ năm 2011-2016, tỷ trọng DNNN thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016, có tới 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận của DNNN (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) hiện giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) cũng giảm 30%.

Bên cạnh đó, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đã đầu tư. Nhiều nỗ lực xử lý dự án nhưng phục hồi chậm.

giam sat doanh nghiep nha nuoc mo nhat theo kieu thay boi xem voi

Bất cập trong giám sát, DNNN lỗ lũy kế hơn 17.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa KT.

Thua lỗ, người đứng đầu DN, chủ sở hữu đều biết

“Trong hoạt động quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (DN), công tác giám sát hiệu quả kinh doanh của DNNN đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, gây ra sự bất cập cũng như vô tình tạo lỗ hổng làm lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM chỉ rõ.

Theo ông Trung, nguyên nhân là do không có tính thống nhất về nội dung giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; thiếu quy định cụ thể, nội dung giám sát bị chia cắt theo lĩnh vực; trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng, đặc biệt là thiếu trách nhiệm giải trình. Quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ những tồn tại như thiếu thông tin đủ tính xác thực và cập nhật về tài sản Nhà nước tại DN, sự né tránh của lãnh đạo DN... dẫn đến hệ quả là không bảo đảm yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát.

Đánh giá về câu chuyện giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam đã tổ chức hàng nghìn hội thảo, chuyến đi khảo sát nước ngoài phục vụ hoạt động này nhưng cuối cùng là hệ thống giám sát vẫn nhiều vấn đề.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhận định, các vấn đề tồn tại, thậm chí gỡ khó các yếu kém của DNNN hiện nay bản thân người đứng đầu DN, chủ sở hữu đều biết và đều có thể giải quyết được. Nhưng quan trọng hơn cả họ không làm và không muốn làm vì liên quan đến lợi ích cá nhân.

“Phải chăng Việt Nam là 1 học trò dốt? Học biết bao người thầy, bài vở đầy rẫy nhưng thực tiễn không có gì cả? Thầy đọc trò chép và trò không hiểu, không biết thực hành như thế nào? Có ghi vào luật thì bản thân hệ thống quản lý không thực hiện được”, bà Lan đặt câu hỏi.

Theo bà Lan, ngay cả khái niệm phạm vi giám sát cũng thể hiện sự thiếu rõ ràng, thiếu thống nhất. Và do không tách bạch được vai trò chủ sở hữu và cơ quan chuyên ngành; không có trách nhiệm rõ ràng vì có quá nhiều trách nhiệm như nhau nên không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. DNNN chịu nhiều “tròng”, cơ quan giám sát nhưng không giám sát thực tế. Cuối cùng chúng ta có báo cáo mờ nhạt theo kiểu thầy bói xem voi. Mỗi đơn vị quan sát với một góc.

“Tại sao lại thiếu thông tin về DNNN trong khi có ngần ấy cơ quan giám sát? Trách nhiệm ở đâu? Phải chăng việc thiếu thông tin là trách nhiệm của cơ quan, do không có trách nhiệm giải trình trước người dân nên không xây dựng được hệ thống thông tin? Các chủ sở hữu DNNN rất khác với việc họ sở hữu tài sản cá nhân. Tài sản Nhà nước rơi vào tình trạng vô chủ nên không quản lý tốt, người quản lý không có động lực làm điều đó”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Bà Lan cho rằng, luôn có hàng loạt lý do để minh chứng cho rủi ro thua lỗ của DNNN. Thậm chí bám theo các quy trình, quy định đưa ra vẫn có nhiều kẽ hở, khoảng trống nên khi DN có vấn đề, không có ai chịu trách nhiệm.

giam sat doanh nghiep nha nuoc mo nhat theo kieu thay boi xem voi

Vận hành hệ thống phân dòng dầu thô tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh Huy Hùng.

"Trong điều kiện lập Ủy ban QLVNN rồi, khi đi vào hoạt động cơ quan này phải thúc đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa để định hình nhanh phạm vi và chức năng sở hữu, thu gọn quy mô DNNN. Đồng thời nhân sự của Ủy ban phải đón những người có kinh nghiệm thực sự trong đầu tư, quản lý DN, có tham vọng đưa khối tài sản lớn trong các DN hiện tại đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên.

Khắc phục ngay từ đầu yếu kém của DN

Để quản lý tốt và hiệu quả đồng vốn Nhà nước tại DN, với thực trạng DNNN hiện nay đang trải ra nhiều lĩnh vực, Viện trưởng CIEM nói, tại Việt Nam thời gian qua, các chủ sở hữu DN là các bộ "ôm" cả chức năng quản lý ngành đó vừa ra chính sách nên dung dưỡng cho lệch lạc và phát triển méo mó, không nhìn ra yếu kém của DNNN để khắc phục ngay từ đầu.

Theo các chuyên gia, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) theo Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ là bước tiến. Là cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban này không chỉ sẽ quyết định việc giám sát và sử dụng nguồn vốn lớn nhất trong nền kinh tế, lên tới 5 triệu tỷ đồng (tương đương 250 tỷ USD) vốn Nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty, DNNN mà còn phải giải quyết những vấn đề tồn tại phức tạp nghiêm trọng của DNNN (đơn cử như 12 DN dự án thua lỗ đang phải xử lý). "Đây chính là đòi hỏi, là áp lực với Ủy ban", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Song để phát huy được hiệu quả như mong muốn, Ủy ban này cần phải được giao công cụ quyền lực rõ ràng và đủ mạnh.

Cho rằng, tương lai chỉ cần 2 cơ quan, Uỷ ban QLVNN và tiếp tục giữ vai trò của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định, chỉ cần 2 cơ quan đầu mối thì giám sát tốt hơn nhiều, dễ truy cứu, quy trách nhiệm. “Tách hoàn toàn chức năng đại diện chủ sở hữu DNNN của các bộ, ngành, chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước phải giao cho Ủy ban QLVNN chức năng này. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, như Quốc hội, HĐND", bà Lan nói.

Phải quy trách nhiệm cá nhân

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, vấn đề đặt ra là làm sao nghiên cứu, áp dụng đầy đủ quy định, hành lang pháp lý phù hợp để DNNN hoạt động tốt, có hiệu quả. Đồng thời, phát huy được tính năng động, nhưng vẫn bảo đảm mục đích là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước luôn “nhìn” thấy và quản lý được. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng rất quan trọng.

“Nên sử dụng các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, trách nhiệm và biết kinh doanh thay vì tuyển người theo tiêu chuẩn công chức - viên chức thuần túy để bảo đảm yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn”, ông Cung kiến nghị.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để giám sát hiệu quả cần phải rành mạch về sở hữu.

“Chừng nào tài sản nhà nước chưa gắn với trách nhiệm cá nhân thì chưa thực hiện hiệu quả. Hệ thống chịu trách nhiệm tập thể, che mờ trách nhiệm cá nhân thì không thể nào thực hiện được. Mấu chốt vấn đề của giám sát phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng và thiết kế chính sách để cá nhân chịu trách nhiệm”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

V.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giam-sat-doanh-nghiep-nha-nuoc-mo-nhat-theo-kieu-thay-boi-xem-voi-62160.html

In bài viết