Tiết kiệm được hơn 51 nghìn tỷ nhưng thất thoát, lãng phí vẫn nhiều

05:37 | 26/05/2018

TĐO-Đó là nhận xét tại cuộc họp báo chuyên đề để giải đáp các vấn đề xung quanh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, do Bộ Tài chính tổ chức vào chiều 25/6.

Tại cuộc họp báo, tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thể hiện, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của Nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp Nhà nước 3.456 tỷ đồng.

tiet kiem duoc hon 51 nghin ty nhung that thoat lang phi van nhieu

Toàn cảnh cuộc họp báo.

Đây là điểm đáng mừng, thế nhưng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn nhiều và nó làm dư luận bức xúc. Điều này, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính nhận định: “Tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc”.

Cũng theo ông Hưng, ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí ngân sách Nhà nước, tài sản công.

Vấn đề tiết kiệm kinh phí ngân sách và sử dụng tài sản công được cuộc họp đưa ra nhiều nhất, nhất là các dự án đầu tư công bị “đội vốn” thậm chí gấp nhiều chục lần so với thời điểm làm dự toán ban đầu; rồi thì tài sản công bị sử dụng lãng phí, không đúng mục đích gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến đời sống người dân như dự án treo…

Giải đáp về vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc đối với các dự án đầu tư bị "đội vốn", tăng vốn rất nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết: Pháp luật đã có đầy đủ các quy định cụ thể. Các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo ông Tuấn Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến "đội vốn", trong đó có yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết.

Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.

Theo báo Thanh tra, Giải đáp về vấn đề thực hiện khoán xe công để tiết kiệm chi ngân sách, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho hay, thực hiện các quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo... Trong đó, có một số bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều đối tượng như: Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Hà Nội…

tiet kiem duoc hon 51 nghin ty nhung that thoat lang phi van nhieu

Tiết kiệm ngân sách.Ảnh minh họa trên internet.

Theo ông Thắng, ngày 23/5/2017, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô để xem xét, ký ban hành. Theo đó, sẽ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; khoán bắt buộc đối với một số chức danh; quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán; đồng thời giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán để phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.

Cũng theo ông Thắng, qua việc khoán thực hiện xe công ở một số cơ quan, bộ ngành đã nêu tên ở trên, thấy có nhiều chuyển biến tích cực, tiết kiệm được ngân sách và người sử dụng tài sản công có ý thức hơn trước rất nhiều. Việc làm trên đã tránh lãng phí ngân sách, thực hành tiết kiệm theo chỉ đạo của Chính phủ.

N.Hòa



Ảnh minh họa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tiet-kiem-duoc-hon-51-nghin-ty-nhung-that-thoat-lang-phi-van-nhieu-62049.html

In bài viết