Ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp

15:59 | 24/04/2018

TĐO - Ngày 24/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2018 với chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam", nhằm cùng thảo luận về các vấn đề về ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chuỗi cung ứng nông nghiệp, làm thế nào để nông nghiệp 4.0 phát triển hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đem lại lợi ích nhiều nhất cho người nông dân và doanh nghiệp.

Đây là hoạt động lớn nhất trong năm của chuỗi các hội thảo thuộc Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp Việt Nam (VAPF), thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước tham gia thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng của ngành nông nghiệp hiện nay.

Diễn đàn do Liên minh Nông nghiệp và Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Văn phòng Oxfam tại Việt Nam và Công ty Cổ phần Lina Network.

ung dung blockchain trong truy xuat nguon goc san pham nong nghiep

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: MP)

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, đại diện Liên minh nông nghiệp cho biết, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 được dự báo sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất phát triển theo chiều sâu, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thích hợp tới từng người tiêu dùng, thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sản xuất. Trong bối cảnh chung đó, nông nghiệp 4.0 bao gồm nhiều ứng dụng cách mạng đa dạng, từ các thiết bị cảm biến và công nghệ kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, các thiết bị bay tự động, robot nông nghiệp, quản trị trang trại thông minh, ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý và truy xuất nguồn gốc…

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chuỗi cung ứng nông nghiệp đã bước đầu được tiếp cận ở Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để nông nghiệp 4.0 phát triển hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đem lại lợi ích nhiều nhất cho người nông dân và doanh nghiệp là những vấn đề lớn. Các vấn đề lớn này được lựa chọn làm chủ đề chính cho “Diễn đàn Nông nghiệp Mùa xuân 2018”.

Theo TS. Đào Thế Anh, thành viên Liên minh Nông nghiệp, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông nghiệp, để phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thì phát triển HTX kiểu mới cùng với phát triển các chuỗi giá trị nông sản là hết sức quan trọng.

Ông nêu lên thực tế, khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là lực chọn hoặc tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, vùng sâu xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về vấn đề tổ chức sản xuất cùng xây dựng, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế.

“Để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm nông nghiệp cần phải quan tâm tới vấn đề minh bạch thông tin. Do người tiêu dùng chưa hiểu rõ sản phẩm, biết rõ nguồn gốc nên mới dẫn đến thực trạng sản phẩm tốt vẫn không thể tiêu thụ được. Khi các nhà sản xuất hợp tác với nhau và mọi thông tin về sản phẩm được minh bạch, lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm sẽ tăng lên,” ông Anh khẳng định.

ung dung blockchain trong truy xuat nguon goc san pham nong nghiep

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch AFT và 4 đại diện doanh nghiệp Vineco, Proci, TraceVerified, và HTX Nông nghiệp số tại Diễn đàn. (Ảnh: MP)

Thử nghiệm công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lina Network khẳng định, công nghệ blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

Hiểu đơn giản Blockchain là sổ cái phân tác cho phép các giao dịch được hợp thức hóa mà không cần cơ sở dữ liệu trung gian. Điều này giúp chuẩn hóa và an toàn giao dịch ngay lập tức, ngay cả khi giữa các quốc gia với nhau.

Blockchain tạo ra sự liên kết chặt chẽ, giúp người dễ dàng truy xuất tất cả các loại giao dịch, tương tác và theo dõi các thay đổi. Một điều mà các lĩnh vực truyền thống không thể có được. Công nghệ này có thể đem lại sự minh bạch, loại bỏ các chi phí không hiệu quả và không cần thiết, cũng như nâng cao tính bảo mật và trao quyền cho cộng đồng thông qua việc tham gia vào hệ thống, ông Ca nhấn mạnh.

“Khách hàng cần sự minh bạch, cần sự bất biến ở mọi lúc mọi nơi. Họ cần cái chuẩn hóa, liên kết và an toàn. Công nghệ ứng dụng blockchain vào supply chain (chuỗi cung ứng) giải quyết được triệt để bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm,” ông Ca khẳng định.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nhận định, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn chập chững trong việc áp dụng công nghệ để tăng cường minh bạch thông tin.

Cũng theo ông Thành, khi truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì người sản xuất sản phẩm tốt mới tồn tại được. Họ sẽ tiếp tục phát huy và như vậy nông nghiệp mới nâng được giá trị. Qua đó, cả chuỗi giá trị mới phát triển và phần lợi ích mà người Việt Nam được hưởng sẽ cao hơn.

Như Phương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ung-dung-blockchain-trong-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-nong-nghiep-61976.html

In bài viết