ADB lạc quan về bức tranh kinh tế Việt Nam 2018

14:09 | 11/04/2018

TĐO - Nhờ tăng trưởng xuất khẩu mạnh, nông nghiệp phát triển và nhu cầu trong nước cũng tăng nhanh, nên kinh tế Việt Nam ổn định; mức tăng trưởng GDP trong năm nay dự kiến sẽ đạt 7,1%.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (Asian Development Outlook - ADO) 2018 vừa được ADB công bố sáng ngày 11/04 tại Hà Nội, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1% vào năm 2018, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019.

adb lac quan ve buc tranh kinh te viet nam 2018

Theo ADO, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, GDP đạt 7,1 % trong năm 2018. (Ảnh: Trần Ngọc)

Triển vọng kinh tế

Theo ông Aaron Batten, Chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, động lực dẫn dắt tăng trưởng là gia tăng xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đầu tư FDI và ngành nông nghiệp hoạt động mạnh mẽ hơn.

Thương mại toàn cầu hồi phục, đặc biệt trong lĩnh vực hàng điện tử giúp cho kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng 21,2% tính theo giá trị USD. Một yếu tố nữa làm tăng tổng cầu là đầu tư nội địa tăng trưởng 9,8% nhờ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao và tăng trưởng tín dụng nhanh. FDI đăng ký tăng mạnh 47% trong năm 2017, đạt gần 36 tỉ USD, trong khi số vốn giải ngân cũng tăng 10,8% lên mức kỷ lục 17,5 tỉ USD.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng kỷ lục lên 117, tiêu dùng cá nhân tăng 7,4%. Minh chứng cho tình hình tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ, doanh số bán lẻ tăng 10,9% trong năm 2017 lên mức kỷ lục 129,6 tỉ USD, tương đương 58,6% GDP.

Về môi trường kinh doanh, Việt Nam tăng 14 bậc trong chỉ số xếp hạng kinh doanh năm 2018, điều này góp phần tạo ra 126.859 doanh nghiệp mới vào năm 2017. Chỉ tiêu của chính phủ là có thêm 135.000 doanh nghiệp được thành lập trong năm 2018.

Nhờ điều kiện thời tiết tốt hơn và nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, sản lượng nông, lâm, thủy sản tăng 4,0%; xuất khẩu nông nghiệp đạt 5,5 tỷ USD trong quý I, 2018, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro và thách thức

Bên cạnh đó, ADO cũng chỉ ra những rủi ro và thách thách mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

adb lac quan ve buc tranh kinh te viet nam 2018

Ông Aaron Batten, Chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB cho biết, thu hẹp khoảng cách tay nghề là nhân tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì tăng trưởng. (Ảnh: Trần Ngọc)

Việt Nam có lực lượng lao động hiệu quả dồi dào với mức tiền lương tương đối thấp. Đây là yếu tố giúp thu hút nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động. Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng lao động đang nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI, và đối với hoạt động kinh doanh nói chung.

Trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nêu “lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ” là hạn chế lớn thứ hai trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tương tự, khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới cho thấy tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp, khoảng 70%-80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động này, Việt Nam cần ưu tiên cho ba nhóm sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề: mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng, và tinh giản quản trị.

Đánh giá chung, ADO cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam khá sáng sủa. Trong môi trường toàn cầu nhiều thách thức, kinh tế dự báo sẽ tăng tốc trong năm 2018, sau đó giảm nhẹ vào năm 2019. Thu hẹp khoảng cách kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng lao động là nhân tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì tăng trưởng.

Ngọc Trần

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/adb-lac-quan-ve-buc-tranh-kinh-te-viet-nam-2018-61955.html

In bài viết