Doanh nghiệp được "cởi trói", người dân có bớt hoang mang?

19:00 | 23/03/2018

Trong khi Nghị định số 15/2018 được cho là có nhiều điểm "cởi trói" cho doanh nghiệp, tình trạng ngộ độc hàng loạt, sự hoành hành của thực phẩm bẩn vẫn khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Quy định "cởi trói" doanh nghiệp

Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP). Nghị định mới này được cho là có nhiều điểm mang tính “cởi trói” cho danh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm. Trong đó, phải kể đến những sản phẩm được tự công bố chất lượng và được miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm.

doanh nghiep duoc coi troi nguoi dan co bot hoang mang

Ảnh minh họa

Theo Nghị định 15/2018, ước có đến 90% sản phẩm thực phẩm được tự công bố. Việc giám sát chất lượng thực phẩm sẽ theo phương thức tăng cường hậu kiểm.

Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, bao gồm sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Theo đại diện lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP), nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm hết các quy định thủ tục đã được giản lược theo hướng thông thoáng hơn. Thậm chí, một số loại giấy phép trong lĩnh vực này không còn tồn tại nhưng doanh nghiệp vẫn cất công tìm thủ tục để xin cấp phép.

Thường xuyên xảy ra ngộ độc hàng loạt

Nhiều vụ ngộ độc thức ăn ở trường học, nhà máy, đám cưới, nhà hàng... trong thời gian vừa qua gây hoang mang đối với người dân.

Hồi tháng 1/2018, bệnh viện đa khoa Đồng Nai từng tiếp nhận 47 công nhân thuộc Công ty TNHH Friwo Việt Nam (KCN Amata, TP Biên Hoà) nhập viện điều trị nghi bị ngộ độc thực phẩm.

doanh nghiep duoc coi troi nguoi dan co bot hoang mang

Hàng loạt công nhân nhập viện ở Đồng Nai.

Trước đó, tháng 12/2017, chỉ trong vòng 4 ngày, hàng trăm học sinh tại Tuyên Quang, TP. Hồ chí Minh rồi Ninh Thuận phải nhập viện điều trị vì có các dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn xôi với xúc xích, ruốc tại một quán ở cổng trường; hay sau bữa ăn trưa với các món cơm trắng, đậu que xào, canh hẹ đậu hũ thịt và táo dùng tráng miệng.

Với những vụ ngộ độc hàng loạt này, nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng tựu trung vẫn là hành động vô lương tâm của những kẻ trục lợi vì đồng tiền bất chấp cả mạng sống, sức khỏe của cộng đồng và sự yếu kém của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm.

Nói về mức phạt đối với người kinh doanh thực phẩm bẩn, luật sư Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm phán TAND tối cao cho biết, người phạm tội này gây hậu quả hàng loạt, "giết người không dao" một cách âm ỉ nên phải phạt nghiêm. Mức phạt cần nâng lên cao nhất tới tù chung thân, tử hình mới hợp lý.

Ngân Linh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doanh-nghiep-duoc-coi-troi-nguoi-dan-co-bot-hoang-mang-61893.html

In bài viết