Xuất khẩu thủy sản dự báo đạt trên 8,5 tỷ USD

10:51 | 05/01/2018

TĐO – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2018, xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2017.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2017 đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (64,4%), Hà Lan (48,6%), Anh (36,4%), Hàn Quốc (29,1%), Canada (22,3%) và Nhật Bản (20%).

Theo VASEP, đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn là mặt hàng tôm với mức tăng trưởng trên 21% với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD.

Tiếp đến là cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, dù gặp khó khăn ở nhiều thị trường lớn nhưng tổng cộng vẫn tăng gần 4% so với năm 2016. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đều có khả năng chạm mức gần 600 triệu USD, tăng lần lượt 16% và 42% so với năm 2016.

xuat khau thuy san du bao dat tren 85 ty usd

Trong năm 2017, xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục 8,32 tỷ USD. (Ảnh nguồn internet)

Đáng chú ý, trong năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong top thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản. Theo đánh giá, đây tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới, khi xuất khẩu sang EU và Mỹ gặp trở ngại về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật.

Ngược lại với các thị trường trên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2017 sang Mỹ giảm nhẹ 2,9% so với năm 2016, chủ yếu là do áp lực từ chương trình thanh tra cá da trơn (có hiệu lực từ 1/8/2017) và thuế chống bán phá giá cao. Riêng xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm tới 10% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, để đạt được mục tiêu trên, ngành thuỷ sản đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Duy trì ổn định diện tích và sản lượng tôm sú, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng tôm – rừng ngập mặn, tôm – lúa nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới. Đồng thời, phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng có lợi thế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị (xây dựng đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ các đối tượng chủ lực). Triển khai các mô hình chứng nhận VietGAP gắn với nông thôn mới, nuôi thuỷ đặc sản có tính đặc trưng vùng miền, tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường.

xuat khau thuy san du bao dat tren 85 ty usd

Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu 8,5 tỷ USD trong năm 2018. (Ảnh nguồn internet)

Đồng thời, hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển.

Ngoài ra, xây dựng quy trình đầy đủ về xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác trước khi xuất khẩu. Hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ về quản lý khai thác thủy sản cho ban quản lý cảng cá như: xác nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản; kết nối thông tin trong hệ thống các cảng cá, kiểm tra tàu cá tại cảng cá...

Đặc biệt, ngành thuỷ sản tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển triển khai mạnh mẽ các giải pháp khắc phục thẻ vàng và tiến tới lấy lại thẻ xanh từ EU. Đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp, ngư dân hiểu và thực hiện đánh bắt có trách nhiệm...

Từ khó khăn và thuận lợi trong năm 2017, VASEP nhận định năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2017. Đồng thời, tổng sản lượng thủy sản đạt 7 triệu tấn, giảm 3,8% so với năm 2017; trong đó, sản lượng khai thác đạt 3 triệu tấn (giảm 13,3%, chủ yếu giảm khai thác ven bờ), sản lượng nuôi trồng đạt 4 triệu tấn (tăng 3,7% so với năm 2017). Ngành thuỷ sản cũng đưa ra mục tiêu sản lượng tôm nước lợ phấn đấu đạt 720.000 tấn, tăng 13,1%, sản lượng cá tra đạt 1,3 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2017.

Minh Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xuat-khau-thuy-san-du-bao-dat-tren-85-ty-usd-61653.html

In bài viết