Hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao vị thế của Việt Nam

15:58 | 20/12/2017

TĐO – Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thời gian qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, làm tăng sức tổng hợp quốc gia, tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sáng nay (20/12), Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”, do Bộ Công thương chủ trì đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.

Tham dự và chỉ đạo Diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Bên cạnh đó, Diễn đàn năm nay còn có sự tham dự của Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, lãnh đạo UBND, đại diện các sở, ngành của 63 tỉnh thành phố, Đại sứ, Tham tán Thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam.

hoi nhap kinh te quoc te de nang cao vi the cua viet nam

Các đại biểu tham gia Diễn đàn

Nội dung Diễn đàn tập trung vào những vấn đề thời sự hội nhập kinh tế quốc tế, đang có tác động trực tiếp tới chính sách hội nhập kinh tế quốc tế từ cấp trung ương đến địa phương, gồm đánh giá kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; xem xét những hiện tượng, xu thế mới trong kinh tế và thương mại quốc tế và dự báo tác động của chúng tới kinh tế thế giới và Việt Nam; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế…

Diễn đàn lần lượt thảo luận theo 3 phiên tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đề xuất kiến nghị các giải pháp để Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Vương Đình Huệ cho biết, hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước đựơc khởi xướng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO năm 2017, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và đầy đủ hơn với thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, đồng thời phát huy vai trò tại các Diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực.

“Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh cho biết, dù mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 6,04%/năm trong giai đoạn 2007 – 2017, thấp hơn so với 7,51%/năm trong năm 2000 – 2006, song chất lượng và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế ngày một vững chắc hơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị, để tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế phát huy hiệu quả hơn nữa, Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương trong quá trình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy vai trò và năng lực điều phối của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế về kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về thị trường và đối tác cùng các FTA mới thông qua cơ quan chức năng đầu mối.

Đặc biệt, thường xuyên tổ chức đối thoại với các cơ quan Chính phủ để nêu lên thuận lợi khó khăn trong quá trình thực thi hội nhập kinh tế quốc tế để Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời có những điều chỉnh chính sách và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn. Nội dung của thông điệp cùng kết quả các buổi thảo luận sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước sau khi kết thúc Diễn đàn.

Minh Châu

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-de-nang-cao-vi-the-cua-viet-nam-61583.html

In bài viết