Hơn 30 doanh nghiệp và cơ quan tham gia hội thảo tập huấn về chính sách phát triển lâm sản

10:14 | 28/11/2017

TĐO – Ngày 27/11, tại Hà Nội, đại diện hơn 30 doanh nghiệp ngành dược liệu và Cơ quan quản lý ngành Y tế tham gia hội thảo tập huấn và đóng góp ý kiến hoàn thiện các chủ trương và chính sách về sử dụng cây hương liệu, dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ.

Hội thảo do TRAFFIC và Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế phối hợp tổ chức nhằm phổ biến kết quả báo cáo rà soát chính sách xây dựng khung pháp lý lâm sản ngoài gỗ và kế hoạch phát triển cây hương liệu, dược liệu dựa trên các nguyên tắc của tiêu chuẩn FairWild do TRAFFIC thực hiện năm 2016.

hon 30 doanh nghiep va co quan tham gia hoi thao tap huan ve chinh sach phat trien lam san

Toàn cảnh hội thảo tập huấn ngày 27/11.

Báo cáo của TRAFFIC tại hội thảo nêu rõ những vấn đề mà hệ thống chính sách cần điều chỉnh nhằm tăng tính hiệu quả và chỉ ra các khu vực cần tăng cường tập huấn để đảm bảo năng lực thực thi. Bên cánh đó, báo cáo cũng khuyến nghị các biện pháp tăng cường hệ thống pháp lý và nhận dạng cơ hội thúc đẩy phát triển thương mại bền vững cho cây hương liệu, dược liệu thông qua việc lồng ghép tiêu chuẩn FairWild vào các chủ trương, chính sách trong tương lai.

Tiêu chuẩn FairWild là một bộ quy chuẩn gồm các thực hành tốt nhất về quy định hoạt động buôn bán thực vật hoang dã công bằng và bền vững. Hiện tiêu chuẩn FairWild đã được quốc tế công nhận. Tiêu chuẩn này nhằm mục tiêu đảm bảo quyền sử dụng đất được tôn trọng, trẻ em không bị bắt đi thu hái quá sớm, lợi ịch được chia sẻ công bằng, các thực hành trong thu hái tôn trọng các hiệp định quốc tế, tuân thủ đầy đủ luật, quy định và thủ tục hành chính.

Bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng công tác rà soát chính sách sẽ hỗ trợ cho hoạt động xây dựng chủ trương, chính sách thương mại bền vững cây hương liệu, dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tại Việt Nam. Với tham mưu của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và ý kiến góp ý của doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này sẽ giúp xây dựng các chính sách mới phù hợp và thúc đẩy thương mại bền vững, công bằng, nâng cao chất lượng cây hương liệu, dược liệu và lâm sản ngoài gỗ. Chính phủ và các thành phần kinh tế cùng chung tay bảo tồn di sản và đa dạng sinh học quốc gia trong dài hạn.”

Hội thảo cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành dược liệu và các cơ quan quản lý y tế như Sở Y tế tỉnh Lai Châu, cùng thảo luận xây dựng kế hoạch hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển cây hương liệu, dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tại Việt Nam. Thông qua hội thảo, các nhà hoạch định chính sách tại Cục có cơ hội lắng nghe những suy nghĩ và mong đợi trực tiếp từ những người hưởng lợi từ những chính sách về lâm sản ngoài gỗ.

Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết: “Các khuyến nghị này rất có giá trị. Các công ty dược cần hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm và chủ động tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Cục sẽ tiếp thu và nghiêm túc xem xét các ý kiến và đề xuất nhằm hoàn thiện khung pháp lý lâm sản ngoài gỗ.”

Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ sáng kiến Darwin thuộc Chính phủ Anh quốc, đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi lợi ích của sản phẩm hương liệu, dược liệu tại Việt Nam,” và là hoạt động triển khai cho Diễn đàn về thu hái bền vững cây dược liệu tự nhiên.

Tuệ Lâm (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hon-30-doanh-nghiep-va-co-quan-tham-gia-hoi-thao-tap-huan-ve-chinh-sach-phat-trien-lam-san-61488.html

In bài viết