Tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp

16:39 | 22/11/2017

TĐO - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp” diễn ra tại TPHCM ngày 21/11, do Cục Sở Hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp cùng Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM tổ chức, với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp.

tinh trang ha ng gia ha ng xam pham quyen so huu tri tue dien bien phuc tap

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: HCM CityWeb)

Nhận định về thực trạng hàng giả đang được “tung hoành” trên thị trường, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cục SHTT tại TPHCM cho biết, hàng giả hiện đang có mặt khắp nơi, từ thành thị cho tới những vùng nông thôn xa xôi. Hàng giả được làm với thủ đoạn rất tinh vi và phức tạp, các sản phẩm được làm giống y như thật. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm bị làm nhái, làm giả thương hiệu cũng đáng báo động.

Doanh nghiệp “khóc ròng”

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tý, đại diện thương hiệu Nón Sơn cho biết, doanh nghiệp ông đang rất lo lắng vì trước thực trạng các cơ sở khác làm mũ bảo hiểm nhái của Nón Sơn với chất lượng không đảm bảo nhưng vẫn bán ra với giá thành bằng với Nón Sơn chính hiệu.

Ông Nguyễn Ngọc Tý cho biết, một chiếc nón nhái thương hiệu Nón Sơn được bán giá 320.000 đồng, bằng với giá thành sản phẩm. Trong khi đó, giá thành sản xuất một chiếc nón kém chất lượng như hàng giả chỉ rơi vào khoảng chưa đến 100.000 đồng. Tuy doanh nghiệp đã phát hiện ra nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhưng có những vụ việc kéo dài đến 2 năm chưa giải quyết xong và thủ tục rườm rà đã khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và công sức.

tinh trang ha ng gia ha ng xam pham quyen so huu tri tue dien bien phuc tap

Doanh nghiệp trưng bày hàng thật – hàng giả tại hội thảo.

Anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa, đại diện nhãn hiệu PHINN café – một thương hiệu vừa mới khởi nghiệp cách đây không lâu cho biết, PHINN café mới đây đã phát hiện một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu của Việt Nam có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu mà anh Nghĩa đã đăng ký.

Cụ thể, anh Nghĩa cho biết, trên hộp và gói sản phẩm của thương hiệu lớn nói trên có ghi dòng chữ “café PHINN” và hình ảnh có yếu tố xâm phạm quyền đối với doanh nghiệp của anh Nghĩa. Tuy nhiên, các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm này hiện vẫn đang được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị.

Anh Nghĩa bức xúc, "Nhiều lần gửi thư khuyến cáo nhưng doanh nghiệp vẫn phớt lờ, thậm chí tìm mọi thủ đoạn để cướp cho bằng được nhãn hiệu của tôi. Làm doanh nghiệp, lo bảo vệ mình đã khó thì còn thời gian, tâm sức đâu mà phát triển kinh doanh".

Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ý mong muốn các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các biện pháp xử lý mạnh cần được thực hiện đối với các cơ sở làm hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm tăng tính răn đe và kéo giảm vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành.

Chung sức phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Giang Khuê, Phó Cục trưởng Cục SHTT đã thông tin cho các doanh nghiệp về các quy định thực thi quyền SHTT và các quy định liên quan đến xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT trong thời gian qua. Ông Khuê lưu ý các doanh nghiệp, SHTT có vai trò quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhất là thời đại công nghiệp hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp phải chú ý đăng ký bảo hộ để có cơ sở pháp lý bảo hộ hàng hóa của mình.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM cho rằng, để hạn chế tình trạng làm hàng giả, hàng nhái cần có những biện pháp căn cơ với chế tài xử lý phải mạnh, phải nặng để các đối tượng làm hàng giả phải cân nhắc khi làm. Những quy định xử phạt không nên chung chung, bởi vì tất cả các loại sản phẩm hàng hóa đều có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Các loại hàng giả khác nhau thì phải có chế tài xử phạt khác nhau, áp dụng vào thực tế mới hợp lý và có tính răn đe để người làm hàng giả chùng bước.

Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều thắc mắc có liên quan đến việc bảo hộ SHTT, vướng mắc trong việc bảo hộ thương hiệu trước vấn nạn xâm phạm quyền SHTT ngày một tinh vi, đề xuất các giải pháp chống hàng giả và xâm phạm quyền SHTT đến các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tham gia hội thảo, Công ty Vina CHG đã cung cấp cho các doanh nghiệp các giải pháp chống hàng giả mang tính pháp lý áp dụng công nghệ cao ở Việt Nam, xu hướng công nghệ chống hàng giả mới ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là giải pháp chống xâm phạm quyền SHTT, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến tháng 10/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 44.500 vụ việc về hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017, cả nước phát hiện hơn 3.800 vụ, trong đó có những vụ việc lớn được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng như: thuốc giả của VN Pharma, lụa Trung Quốc đóng mác Việt Nam của Khaisilk hay lô mỹ phẩm không rõ nhãn mác của TS Group…

Các cơ quan chức năng cho rằng, những vụ việc cộm cán nói trên chỉ là “phần nổi”, thực tế số vụ hàng giả, hàng nhái với mức độ nghiêm trọng là rất lớn, phổ biến trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, trên mọi địa bàn.

Tuệ Lâm (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tinh-trang-ha-ng-gia-ha-ng-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-dien-bien-phuc-tap-61453.html

In bài viết