Nhiều doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập

08:22 | 24/10/2017

TĐO - Phát triển bền vững vừa giúp các doanh nghiệp tạo ra các giá trị thực tế cho xã hội vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Việc đầu tư vào phát triển bền vững là cơ hội thị trường lớn cho các doanh nghiệp và cũng là cơ hội để huy động vốn đầu tư.

Tại "Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam" lần thứ tư tổ chức tại Hà Nội ngày 10/10 vừa qua, công ty Coca-Cola và một số doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai mục tiêu phát triển bền vững với chủ đề "Nhân rộng những mô hình kinh doanh sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức phát triển bền vững".

Diễn đàn nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững, là dịp để các đại biểu, lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, qua đó tăng cường hỗ trợ từ Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

nhieu doanh nghiep huong den phat trien ben vung trong thoi ky hoi nhap

Đại diện các Ban ngành phát biểu và đề ra mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trình bày về kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu của Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2020, khu vực công – tư cần tiếp tục hợp tác để thực hiện thành công các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt, chuẩn bị về mặt thể chế chính sách, nguồn lực, giải pháp để sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định.

Bên cạnh thách thức từ biến đổi khí hậu, sự bùng nổ dân số cũng đang gây ra nhiều nguy cơ cho vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng bền vững có thể mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho Việt Nam vốn có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, việc đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng, mà đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ban ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Đại diện tập đoàn lĩnh vực hàng tiêu dùng có 18 nhãn hàng phát triển theo tiêu chí bền vững và nhóm này tăng trưởng nhanh hơn 50% so với nhóm còn lại, chiếm 60% tổng doanh số tập đoàn.

nhieu doanh nghiep huong den phat trien ben vung trong thoi ky hoi nhap

Tài nguyên nước là một trong những mục tiêu phát triển bền vững cần được chú trọng. (Ảnh minh họa)

Trong lĩnh vực đồ uống, Tổng giám đốc một đơn vị sản xuất bia chia sẻ, doanh nghiệp của ông đã áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện 4 trong 6 nhà máy của công ty nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối, 99% phụ phẩm và phế liệu được tái chế hoặc tái sử dụng. Việc này giảm gần nửa lượng nước tiêu thụ, giúp tiết kiệm một khoản chi phí. Đây được cho là "quả ngọt" khi doanh nghiệp đầu tư đúng cách vào mục tiêu phát triển bền vững.

Phát triển bền vững được Liên Hợp Quốc cụ thể hóa qua 17 mục tiêu, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu nào liên quan mật thiết với đặc thù kinh doanh của mình.

Với mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước, trong 10 năm qua, Coca-Cola đã đầu tư 4 triệu USD để cung cấp nước sạch cho hơn 65.000 người tại 7 tỉnh qua các dự án: lắp đặt đường ống dẫn nước, hệ thống lọc nước sạch tại các trường học… Trong đó, dự án Ekocenter cung cấp 6.000 lít nước mỗi ngày, phục vụ khoảng 3.000 người dân khu vực xung quanh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam, trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ giao cho Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam chủ trì thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Triển khai Nền kinh tế tuần hoàn, nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại Việt Nam, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá 4,5 nghìn tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại.

Ông Lộc nhấn mạnh: Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã và đang tiếp cận mô thức phát triển theo kiểu phát triển bền vững, tiếp cận các chuẩn mực toàn cầu, đó là tín hiệu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ cũng phải bắt đầu những bước chân kinh doanh đầu tiên của mình theo cách thức bền vững. Chính những đầu tư vào phát triển bền vững là cơ hội thị trường lớn cho các doanh nghiệp và cũng là cơ hội để doanh nghiệp huy động được nguồn vốn đầu tư.

Phát triển bền vững không phải là "phú quý sinh lễ nghĩa" mà đó chính là vì lợi ích của các doanh nghiệp. Phát triển bền vững chính là giấy thông hành cho doanh nghiệp vào thị trường thế giới trong tương lai.

Theo bà Lise Kingo, Giám đốc điều hành tổ chức hiệp ước toàn cầu Liên Hợp Quốc cho biết tính cấp thiết của phát triển bền vững: "Kỳ trăng mật đã kết thúc, đã đến lúc chúng ta cần bắt tay vào hoạt động vì các mục tiêu toàn cầu. Phát triển bền vững nay không còn là một lựa chọn, đó là con đường duy nhất".

Hương Mai (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhieu-doanh-nghiep-huong-den-phat-trien-ben-vung-trong-thoi-ky-hoi-nhap-61354.html

In bài viết