Lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng 6,5%

13:45 | 07/08/2017

TĐO - Theo phương án cuối cùng vừa được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt lại sáng 7/8, mức tăng lương tối thiểu vùng của người lao động trong năm 2018 là 6,5%.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - bên đại diện người lao động - cho biết: sau khi tranh luận và bỏ phiếu thì mức tăng được chốt là 6,5%. Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 trong thời gian tới.

Trước đó, phương án tăng lương tối thiểu vùng giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - bên đại diện giới chủ sử dụng lao động - đã giảm khoảng cách, nhưng vẫn ở mức chênh lệch 3%.

luong toi thieu vung nam 2018 se tang 65

Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%

Phía Tổng Liên đoàn hạ mức tăng đề xuất từ 13,3% xuống 10%, rồi 8% và cho biết không thể thấp hơn nhằm chấm dứt việc lương tối thiểu không đủ nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi đó, VCCI đề xuất không tăng lương hoặc chỉ tăng 2 - 4%, sau đó nâng lên mức 5% và cũng nhất định không nhượng bộ, lấy lý do phần lớn các doanh nghiệp đều còn khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, thủy sản...

Ngày 28/7, tại phiên họp lần 2, các bên vẫn không thống nhất được quan điểm. Vì thế, bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra 4 phương án: phương án 1 tăng mức tăng bình quân 5%, phương án 2 tăng 6%, phương án 3 tăng 6,8% và phương án 4 tăng 8%.

Hiện, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo Nghị định 153/2016 có hiệu lực từ ngày 1/1 quy định mức lương tối thiểu đối với lao động vùng 1 là 3,75 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,32 triệu đồng/tháng, lao động thuộc vùng 3 được chi trả mức lương tối thiểu 2,9 triệu đồng/tháng và lao động vùng 4 là 2,58 triệu đồng/tháng.

luong toi thieu vung nam 2018 se tang 65

Tăng lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo nhu cầu chính đáng của người lao động

Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.

Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/luong-toi-thieu-vung-nam-2018-se-tang-65-61117.html

In bài viết