Nếu chậm giải ngân, dự án vay ODA sẽ bị cắt vốn

10:58 | 02/08/2017

TĐO - Tại cuộc họp về thúc đẩy giải ngân vốn ODA, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu dự án nào chưa giải ngân do thiếu hồ sơ thì phải tự cắt, tự điều chuyển trong khối Chính phủ, địa phương.

neu cham giai ngan du an vay oda se bi cat von

Thủ tướng phê bình các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án vay vốn ODA chậm trễ giải ngân

Chiều 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về một số vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay là 74,92 tỷ USD).

Tính đến hết tháng 6, có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi, còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD.

Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026. Tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 - 2020 là 17,485 tỷ USD. Tính trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết.

Năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đã có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm. Tốc độ giải ngân này được coi là quá chậm.

neu cham giai ngan du an vay oda se bi cat von

Một số dự án như đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ vì vướng giải ngân

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: thời gian qua, vốn ODA đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Thủ tướng cũng nêu rõ phải bảo đảm giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết theo tiến độ, kể cả giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt là năm nay.

Trước tốc độ giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm quá chậm, Thủ tướng yêu cầu những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải tự cắt, tự điều chuyển trong khối Chính phủ và các địa phương, để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua. "Ông không làm được thì ông thôi, đừng làm. Không làm được thì sẽ cắt vốn chứ không thể cứ do dự mãi được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng của mình không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA.

Để khắc phục những vướng mắc này, cập nhật định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với tình hình mới, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, xem lại từng dự án, ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017.

neu cham giai ngan du an vay oda se bi cat von

Tốc độ giải ngân vốn ODA trong 6 tháng đầu năm 2017 là quá thấp

"Tất cả dự án vượt dự toán đều phải thẩm tra lại để có biện pháp xử lý, đặc biệt không để kéo dài", Thủ tướng nói và giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi các điều kiện vay vốn tại các hiệp định theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu, tránh chỉ định thầu các nhà thầu không đủ năng lực, như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan các dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, đặc thù như dự án đường sắt đô thị. Công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức có liên quan để đầu tư, xây dựng, vận hành và triển khai đường sắt đô thị tại Việt Nam.

Về định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần sớm xây dựng kế hoạch năm 2018 kèm theo kế hoạch tài chính 3 năm trong đó có kế hoạch ODA. "Cái gì ta làm được, dân ta làm được thì ta phải làm. Cái gì bức xúc, đặc biệt công trình hạ tầng, chúng ta chưa có khả năng vốn thì chúng ta kêu gọi", Thủ tướng nhấn mạnh đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân.

Cơ quan ngành kế hoạch cũng được giao rà soát, tổng hợp các vướng mắc của Luật Đầu tư công để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn. Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi rà soát lại từng dự án để xử lý cụ thể, kịp thời báo cáo Thủ tướng những biện pháp mạnh mẽ, nhất là với một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0.

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/neu-cham-giai-ngan-du-an-vay-oda-se-bi-cat-von-61078.html

In bài viết