Tín dụng bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

11:04 | 24/07/2017

TĐO - Tăng trưởng tín dụng cho xây dựng là 17,15%, tín dụng cho vay ngành xây dựng tăng trưởng cao có nghĩa mức độ xây dựng cao. Nhưng tăng trưởng xây dựng cho nhà để ở tăng mạnh hơn nhiều so với xây dựng cho nhà không để ở.

Tại Tọa đàm chứng khoán Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có các biện pháp giám sát dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.

Lý do là tổng dư nợ cho vay bất động sản ở mức khoảng 8% trên tổng tín dụng, nhưng cho vay tiêu dùng thực chất phần lớn là cho vay bất động sản, nếu cộng cả con số đó vào phải trên 10%.

Nhận định về các kênh đầu tư hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường vàng hiện nay thực sự không hấp dẫn, thậm chí giá xuống thấp; thị trường ngoại tệ cũng không hấp dẫn vì NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm hàng ngày. Trong khi đó, các ngân hàng hiện nay đang tăng rất nhanh về dư nợ, nhất là tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho bất động sản.

tin dung bat dong san tiem an nhieu rui ro

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, có sự liên quan chặt chẽ giữa thị trường chứng khoán và bất động sản. Số liệu của NHNN cho thấy 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng trên 9%, trong khi tăng trưởng huy động là 5,9%. Như vậy tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động.

"Vậy tiền đó đã đi đâu?" TS. Nguyễn Minh Phong đặt câu hỏi. "Tôi cho rằng tiền đã chảy vào chứng khoán và bất động sản. Nếu từ nay đến cuối năm tình trạng này còn tiếp diễn, ngân hàng có thể gặp khó khăn về thanh khoản".

Ông Phong cho rằng thị trường bất động sản sẽ tích cực vào cuối năm theo 2 hướng. Thứ nhất nhu cầu bất động sản còn lớn, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ và bất động sản nghỉ dưỡng. Thứ 2, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ xấu, M&A tạo ra làn sóng vào bất động sản lớn, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Sài Gòn, nêu quan điểm cần có số liệu cụ thể nếu nói tín dụng vào bất động sản.

tin dung bat dong san tiem an nhieu rui ro

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn

"Con số cụ thể thì rất khó tìm, nhưng nghiên cứu các số liệu thô, tôi có thể kết luận tiền vào xây dựng và bất động sản rất nhiều. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cho xây dựng là 17,15%, tín dụng cho vay ngành xây dựng tăng trưởng cao có nghĩa mức độ xây dựng cao. Nhưng tăng trưởng xây dựng cho nhà để ở tăng mạnh hơn nhiều so với xây dựng cho nhà không để ở", ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.

Cụ thể, khi các cá nhân vay tiền mua nhà, trong trường hợp xấu phải xử lý, một ngôi nhà trị giá 3 tỷ đồng, khách hàng vay 70% giá trị ngôi nhà, tương đương 2,1 tỷ đồng. Việc bán một ngôi nhà giá 3 tỷ đồng với mức giá 2,1 tỷ đồng khá đơn giản, việc xử lý sẽ dễ hơn nhiều so với việc chủ đầu tư vay hàng nghìn tỷ đồng và không thể trả nợ.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2017, theo thông tin từ NHNN, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53%, cao hơn cùng kỳ các năm trước (năm 2016 đạt 5%, năm 2015 đạt 4%). Theo đánh giá của NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng đã tập trung chủ yếu hướng tín dụng ưu tiên vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản hay dự án đầu tư BT, BOT…

tin dung bat dong san tiem an nhieu rui ro

Tín dụng ở Việt Nam đang tăng trưởng quá nhanh

Trong khi đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 8,07%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%), tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,54%. Các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã lần lượt đưa ra cảnh báo về tình trạng tín dụng ở Việt Nam tăng trưởng quá nhanh.

Các chuyên gia kinh tế tỏ ra không mấy tin tưởng rằng tăng trưởng tín dụng cao này đi vào những nơi kỳ vọng như những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nông nghiệp. Thay vào đó, trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng rất mạnh tay cho vay bất động sản.

Nếu cho vay bất động sản quá nhiều có thể tạo ra bong bóng trong thị trường bất động sản, từ đó tạo ra rủi ro thị trường này. Một khi các bong bóng bị vỡ ra có thể gây nên thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tin-dung-bat-dong-san-tiem-an-nhieu-rui-ro-61056.html

In bài viết