11:38 | 07/07/2017
![]() |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk
Hiện các điều khoản chi tiết trong FTA mới chưa được công bố và việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận có thể sẽ mất tới 15 năm. Theo thỏa thuận, 2 trong số các lĩnh vực quan trọng nhất liên quan tới ô tô của Nhật Bản và việc hàng nông sản của châu Âu vào thị trường Nhật Bản.
Cùng với FTA, EU và Nhật Bản còn nhất trí thông qua thỏa thuận về "Đối tác chiến lược" bổ sung. FTA sẽ tạo nên một khối kinh tế thương mại tự do lớn, còn thỏa thuận thứ 2 sẽ thể hiện sự hợp tác của 2 bên trong một số lĩnh vực khác như chống biến đổi khí hậu.
Trên nguyên tắc, cả 2 thỏa thuận này vẫn chưa được thống nhất về một số điều khoản chi tiết, do đó vẫn có thể còn những trở ngại. Tuy nhiên, với 2 thỏa thuận đã đạt được, việc 2 thế lực kinh tế lớn nhất thế giới xích lại gần nhau là điều không cần phải bàn cãi - BBC nhận định.
![]() |
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với thị trường 127 triệu dân
Các cuộc đàm phán EU - Nhật Bản bắt đầu năm 2012, sau đó bị đình trệ. Dù vậy, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử với nhiều thay đổi trong chính sách đã thúc đẩy EU và Nhật Bản vượt qua sự khác biệt. Cả 2 bên đều muốn chứng tỏ rằng họ sẵn sàng mở ra cơ hội kinh tế mới.
Họ cũng muốn gửi đi thông điệp rõ ràng tới toàn thế giới rằng EU và Nhật Bản luôn cam kết đảm bảo một thế giới bình đẳng, tự do thương mại dựa trên các luật lệ. Hai bên sẽ tìm cách định hình thế giới theo hướng này ngay cả khi Mỹ không làm như vậy.
Các thỏa thuận đã được ký kết tại Thủ đô Brussels (Bỉ) sau cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, ngay trước hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển (G20) ở Hamburg (Đức).
![]() |
Người chăn nuôi bò sữa ở châu Âu sẽ được lợi nhờ thỏa thuận mới
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố: thỏa thuận cho thấy cam kết của EU đối với thương mại thế giới. Ông nói thêm rằng thoả thuận không chỉ cho thấy những lợi ích thương mại phổ biến, mà còn phản ánh "những giá trị chung góp phần củng cố xã hội" như tự do dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với dân số khoảng 127 triệu người. Hiện, quốc gia này là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của châu Âu. Một trong những mặt hàng thương mại quan trọng nhất của EU là các sản phẩm sữa, trong khi đó nhu cầu của Nhật Bản đối với mặt hàng này đang ngày càng tăng.
Thỏa thuận mới được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội cho nông dân chăn nuôi bò sữa của các nước EU. Theo đánh giá, nhu cầu từ thị trường nội địa EU đang giảm, đồng thời sức ép cạnh tranh ngày càng lớn khiến người nông dân chịu nhiều bất lợi.
Trọng Sang