Vẫn còn tồn đọng khoảng 200.000 tấn thịt lợn hơi

11:26 | 17/05/2017

TĐO - Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, sau đợt khủng hoảng về giá thịt lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi phải chịu lỗ mỗi con từ 1 - 1,5 triệu đồng, hiện các cơ sở chăn nuôi còn tồn đọng khoảng 200.000 tấn thịt hơi.

Ngày 17/5, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị giao ban thảo luận các giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

van con ton dong khoang 200000 tan thit lon hoi

Tiếp tục điều tiết giá đầu vào và đầu ra để hỗ trợ người chăn nuôi lợn. (Ảnh minh họa)

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, việc giá thị lợn hơi xuống thấp là do nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Ước tính số lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, đàn lợn vẫn tiếp tục giảm do hiệu ứng về giá ở tất cả các địa phương, nhất là lợn nái.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn hơi xuất chuồng bắt đầu giảm mạnh từ tháng 2/2017, đến thời điểm tháng 3 và tháng 4/2017, giá giảm xuống mức 25.000 đồng/kg. Đến tháng 5/2017, giá thịt lợn hơi giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua với giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu lỗ nặng, mỗi con lợn có thể lỗ từ 1 triệu – 1.5 triệu đồng. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số tỉnh phía Bắc có những lúc giảm dưới mức 20.000 đồng/kg.

Các địa phương báo cáo nhan vẫn còn một lượng lợn thịt trọng lượng từ 100 – 150kg/con, tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi ước tính tương đương 200.000 tấn thịt hơi.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, việc đa số người chăn nuôi dù nuôi nhỏ lẻ và nuôi quy mô trang trại tự sản xuất từ con giống, nuôi lớn đến khi xuất bán ra thị trường thông qua thương lái đã bộc lộ nhiều yếu kém trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Điều này dẫn đến việc dù giá bán tại chuồng xuống rất thấp nhưng giá bán thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người tiêu dùng lại duy trì ở mức cao ( giá khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại thịt).

Ông Trọng cho rằng nghịch lý trên chỉ được giải quyết nếu người chăn nuôi chuyển dần từ cách làm truyền thống sang chăn nuôi với quy trình khép kín từ sản xuất cho tới cung ứng, tham gia chuỗi liên kết, đảm bảo yêu cầu về ATTP, vệ sinh thú y như ở Lào Cai, Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ...

Bên cạnh những giải pháp trước mắt hỗ trợ, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp thu mua số lợn còn tồn trong dân, các tỉnh, TP cần có cơ chế hỗ trợ người dân mở các điểm bán thịt lợn nhằm giảm chi phí trung gian, giảm thua lỗ cho người chăn nuôi. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương tham gia vào thị trường điều tiết giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm, thực hiện tốt khâu kết nối và tận dụng mọi cơ hội để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó thực hiện các giải pháp về chế biến, dự trữ và nâng cao giá trị cho sản phẩm, từng bước tiến tới xuất khẩu bền vững.

Minh Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/van-con-ton-dong-khoang-200000-tan-thit-lon-hoi-60884.html

In bài viết