09:18 | 28/04/2017
Sau khi giá thành mặt hàng thịt lợn trên thị trường giảm mạnh và khiến người nông dân đối mặt với nhiều khó khăn, Bộ NN&PTNT nhanh chóng vào cuộc để khắc phục tình trạng này. Hôm 24/4, Bộ tổ chức cuộc họp khẩn với gần 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến cùng các Hiệp hội ngành hàng để cùng tìm giải pháp giúp người dân. Mới đây, Bộ tiếp tục yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi.
![]() |
Tăng cường quản lý thị trường, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, về trước mắt, tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn, góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi. Tăng cường quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi rà soát quy trình sản xuất, giảm giá bán phù hợp, chia sẻ với người nông dân.
Về lâu dài, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi. Giao cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường kiểm tra dịch bệnh, tiêm phòng vaccine, không để tình trạng cắt bớt các khâu quản lý dịch bệnh, sẽ dẫn tới hệ lụy phát dịch trong thời gian tới.
Ngoài ra, các địa phương triển khai các giải pháp tổng thể nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Xác định địa phương phải chủ động là chính, kết hợp giải pháp liên kết trong vùng và liên vùng. Đồng thời rà soát, thống kê chăn nuôi để có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương; vừa bảo đảm ổn định thị trường vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm.
Minh Hà