Miền Nam có nguy cơ thiếu điện cao trong năm 2018-2019

20:14 | 25/03/2017

TĐO - Trong khi khu vực miền Bắc, miền Trung đang thừa điện thì tình hình cung ứng điện tại miền Nam gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nếu không có giải pháp khắc phục cụ thể và kịp thời, nguy cơ thiếu điện tại miền Nam vào những năm 2018-2019 là rất cao.

Ngày 24/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với các bộ, ngành, các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng các công trình nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) và Sông Hậu 1 (Hậu Giang).

mien nam co nguy co thieu dien cao trong nam 2018 2019

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công trình nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: VGP)

Theo thông báo kết luận cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhu cầu điện đang tăng rất mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, khoảng 11%/năm. Nhu cầu của cả nước năm 2016 là khoảng 180 tỷ kWh, công suất nguồn khoảng 45.000 MW. Theo quy hoạch, đến năm 2020, công suất nguồn khoảng 60.000 MW, năm 2025 là 96.000 MW.

Hiện, nhu cầu sử dụng của các vùng trên cả nước như sau: miền Bắc năm 2016 có nhu cầu sử dụng 78 tỷ kWh, chiếm 43% tổng nhu cầu phụ tải của cả nước. Công suất đặt máy là 22.000 MW, chiếm 52% công suất. Tại miền Trung, nhu cầu phụ tải năm 2016 là 16 tỷ kWh, chiếm 9,1% tổng nhu cầu, công suất nguồn đạt 7.600 MW, chiếm 15% tổng công suất nguồn.

Theo đánh giá tại buổi làm việc, miền Bắc và miền Trung đang thừa điện còn miền Nam đang thiếu điện, nhu cầu phụ tải năm 2016 ở khu vực này là 87 tỷ kWh, chiếm khoảng 48% cả nước. Tuy nhiên, công suất nguồn chỉ đạt 16.000 MW, chiếm khoảng 35% tổng công suất nguồn.

Theo EVN, trong năm 2016, để bảo đảm cung ứng điện miền Nam, hệ thống truyền tải Bắc Nam luôn vận hành mang tải cao, sản lượng điện truyền tải từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam trên 15,8 tỷ kWh (khoảng 18% nhu cầu điện của miền Nam).

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để có thể đáp ứng yêu cầu điện đến năm 2030, khu vực Tây Nam Bộ phải đầu tư 16 dự án nhiệt điện, đồng thời đầu tư các dự án điện tái tạo như gió, mặt trời, mua thêm điện của nước ngoài. Bên cạnh phát triển nhiệt điện là yêu cầu xây dựng các cảng, kho để cung cấp than, khí cho các nhà máy cũng rất lớn.

Trong trường hợp các dự án nguồn điện hoàn thành đúng tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, do hệ thống điện miền Nam không tự cân đối cung cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: nguy cơ thiếu điện tại miền Nam vào những năm 2018-2019 sẽ là rất cao. Nếu không có giải pháp cụ thể để khắc phục, thì chắc chắn tình trạng thiếu điện sẽ rất nghiêm trọng. Theo Phó Thủ tướng, phải khẩn trương tập trung để đầu tư nguồn điện, đồng thời cân đối lại cho phù hợp cơ cấu sử dụng nguồn điện giữa các miền.

Phó Thủ tướng yêu cầu: “Việc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy nguồn điện, đặc biệt các nhà máy ở phía Nam, cùng với đó là nâng cấp các dự án truyền tải là nhiệm vụ trọng tâm của 2017 và những năm tiếp theo”.

Đối với hai dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1 có ý nghĩa quyết định đến việc đáp ứng đủ điện cho miền Nam, qua kiểm tra đang bị chậm tiến độ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, không thực hiện được thì kêu gọi các nhà đầu tư khác.

Giao nhiệm vụ cho các Bộ để đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra định kỳ, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ, tăng cường quản lý chất lượng công trình. Đồng thời, chủ trì cùng với Tập đoàn Dầu khí, tổng thầu EPC rà soát tiến độ, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết mọi vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đối với dự án Long Phú 3, Sông Hậu 3 xem xét cụ thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, khẩn trương triển khai xây dựng dự án cảng trung chuyển than.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phải nhanh chóng phê duyệt báo cáo tiền khả thi các dự án thuỷ điện mở rộng Hoà Bình, Yaly; hoàn thành phê duyệt quy hoạch trung tâm điện lực Long An - Tân Phước; rà soát tiến độ điểm tiếp bờ khí của mỏ khí lô B, đảm bảo khí cho phát điện; phê duyệt các dự án điện khí tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nhơn Trạch...; đẩy mạnh thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp đẩy nhanh tiến độ xem xét xử lý bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án điện cần phải vay vốn, những dự án điện BOT do đối tác nước ngoài đầu tư.

Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định chi phí hợp đồng tại Hợp đồng tổng thầu EPC dự án Sông Hậu 1, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để tái sử dụng; thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm soát chặt chẽ môi trường của các công trình nguồn điện, đặc biệt là các nhà máy điện than.

Các tập đoàn PVN, EVN, TKV đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện được giao; nhanh chóng hoàn thành các đường dây 500 kV trọng điểm giúp giảm áp lực thiếu điện của các tỉnh phía Nam.

Hà Minh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mien-nam-co-nguy-co-thieu-dien-cao-trong-nam-2018-2019-60776.html

In bài viết