GS Nhật: Trung Quốc không thể áp đặt nếu Việt Nam tăng cường cạnh tranh

22:06 | 13/02/2016

Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu Việt Nam tăng được năng lực cạnh tranh về công nghệ, hoặc trở thành một mắt xích rất quan trọng, Trung Quốc sẽ không áp đặt được Việt Nam.

gs nhat trung quoc khong the ap dat neu viet nam tang cuong canh tranh

Giáo sư Kawashima Shin

Giáo sư Kawashima Shin, chuyên gia về lịch sử chính trị và ngoại giao châu Á của Đại học Tokyo (Nhật), đã chia sẻ quan điểm về thế khó của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền với Trung Quốc, qua đó thấy được chính sách đối ngoại tiếp cận của Việt Nam với Trung Quốc vừa cứng vừa mềm, phức hợp, linh hoạt, thận trọng….

Có ý kiến cho rằng, trong trục quan hệ với hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc, trường hợp của Việt Nam không dễ dàng ứng xử như Nhật hay Philippines - độc lập về kinh tế với Trung Quốc và là đồng minh của Mỹ, nếu như không nói là thế rất khó. Theo ông Việt Nam nên làm gì?

Việt Nam là trường hợp đặc biệt trong khu vực. Không chỉ có chế độ chính trị tương đồng với Trung Quốc, chung đường biên giới, mà có cả những biến cố lịch sử. Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền của mình, nhưng vì ở quá gần Trung Quốc, Việt Nam vẫn phải duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc.

Đây là một vấn đề nhạy cảm mà thế giới đều biết. Chính quyền Việt Nam cần thông qua ngoại giao thừa nhận và giải thích để thế giới hiểu rõ cái khó này, để Mỹ, Nhật và các nước khác hiểu tại sao Việt Nam phải có cách tiếp cận vừa cứng vừa mềm, phức hợp, linh hoạt, thận trọng… với Trung Quốc.

Trong quan hệ kinh tế, Việt Nam cũng ở thế mất cân bằng, thậm chí có lo ngại về sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Ông nghĩ Việt Nam nên làm thế nào?

Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu Việt Nam tăng được năng lực cạnh tranh về công nghệ, hoặc trở thành một mắt xích rất quan trọng, Trung Quốc sẽ không áp đặt được Việt Nam. Hãy như Nhật, làm sao để nếu Trung Quốc vì vấn đề chủ quyền mà cắt đứt quan hệ kinh tế, chính kinh tế Trung Quốc sẽ bị tổn thương.

Thời gian gần đây, nhiều quốc gia liên tục yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo, quân sự hóa các đảo nhân tạo họ xây dựng trái phép trên Biển Đông. Theo ông liệu Trung Quốc có ngừng việc này không?

Không đâu. Trước hết, ông Tập Cận Bình khác hẳn các lãnh đạo trước đó của Trung Quốc. Ông ta dùng cuộc chiến chống tham nhũng để kiểm soát các quan chức cấp cao, gây dựng danh tiếng của mình trong xã hội Trung Quốc.

Ông ta cũng tận dụng chủ nghĩa dân tộc, tạo nên “Giấc mơ Trung Hoa” cho người Trung Quốc, rằng giờ đây Trung Quốc có thể làm những điều trước kia Trung Quốc không thể làm, điển hình là biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ông Tập cũng có nguồn lực, có tiền để làm như thế. Trong khi Mỹ sẽ rất tốn kém nếu muốn đưa quân từ tận Hawaii đến Biển Đông, vì ở đây Mỹ không có căn cứ quân sự nào. Khu vực này giờ hoàn toàn trống trải và là cơ hội cho Trung Quốc.

Vậy có cách nào để kiềm chế những hoạt động này của Trung Quốc?

Giờ đây, khi Trung Quốc nhận thức rõ tầm quan trọng của hải quân, không quân, kiểm soát bầu trời và mạng, những hoạt động quân sự hóa này sẽ ngày càng gia tăng trong 5-10 năm nữa, không thể ngăn chặn xu hướng này.

Việc chúng ta có thể làm, trước hết, là duy trì trao đổi quân sự với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc cởi mở thông tin quốc phòng của họ, để chúng ta hiểu việc họ đang làm.

Thứ hai, vụ kiện của Philippines là một ví dụ tốt. Hành động pháp lý có thể không ngăn được Trung Quốc nhưng quan trọng là giúp thế giới hiểu hơn tình hình. Nếu nhiều quốc gia trên thế giới quay lưng với Trung Quốc trong vụ việc này, biết đâu Trung Quốc sẽ giảm bớt các hành động gây hấn trên Biển Đông.

Thứ ba, các nước trong khu vực cần nâng cao quân đội, năng lực quốc phòng. Bên cạnh sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật, các nước ASEAN cần tự bảo vệ được mình.

Khi đến thăm một số nước Đông Nam Á vừa qua, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin, duy trì tình bạn. Rồi đến Singapore ông Tập lại nói Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại. Đến Philippines, Chủ tịch Trung Quốc​ lại nói hữu nghị, hợp tác. Trong khi Trung Quốc bác bỏ các phán quyết nào của Tòa án quốc tế về vụ kiện đường lưỡi bò của Philippines. Vậy theo ông, đó là thông điệp, kiểu lòng tin gì?

Đó là tình hữu nghị kiểu Trung Quốc. Nhật Bản cũng nhận những thông điệp bất nhất như vậy của Trung Quốc xung quanh vấn đề Senkaku (Điếu Ngư). Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc luôn nói quần đảo này thuộc về Trung Quốc từ 2000 năm nay, nhưng Trung Quốc và Nhật vẫn phải duy trì hợp tác, hữu nghị, lòng tin…

Khoảng từ năm 2008-2010 trở lại đây, Trung Quốc dần thay đổi chính sách đối ngoại, hành động cứng rắn hơn, không thỏa hiệp vấn đề chủ quyền, dù là biển Hoa Đông hay Biển Đông.

Mặt khác, vì lợi ích kinh tế, Trung Quốc vẫn cần quan hệ tốt với các nước láng giềng. Đó là một mâu thuẫn lớn đối với Việt Nam, Nhật và các nước khác. Nhưng với người Trung Quốc thì chả có gì mâu thuẫn, họ tin rằng tất cả đảo đều thuộc về họ, và đó là là nền tảng để xây dựng lòng tin, hợp tác, hữu nghị…

Có thể do Trung Quốc quá tự tin mình là một siêu cường, có thể áp đặt các nước khác.

Theo VietnamNet

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gs-nhat-trung-quoc-khong-the-ap-dat-neu-viet-nam-tang-cuong-canh-tranh-59786.html

In bài viết