“Chiêu trò” bẫy khách hàng bằng suất ngoại giao của chủ đầu tư

17:50 | 21/11/2015

Thị trường mới ấm lên, người mua nhà ngay lập tức lại bị rơi vào “ma trận” làm giá, nhận đăng ký trước, hay mua suất ngoại giao… giá rẻ với đủ chiêu trò của cả cò mồi lẫn nhiều chủ đầu tư.

Đó là việc các chủ đầu tư hiện nay bắt tay với cò mồi, một số văn phòng môi giới dùng suất ngoại giao của dự án mình rao bán nhản trên thị trường bất động sản và đang được dân môi giới sử dụng như “mồi nhử” để “câu” khách. Nắm được tâm lý của người mua nhà thường thích các suất ngoại giao, không chỉ bởi giá “mềm” mà còn có vị trí đẹp, số lượng lại không nhiều, môi giới đã “bẫy” khách hàng bằng cách mời mua suất ngoại giao với mức chiết khấu 2-5%, thậm chí 7%. Tuy nhiên, việc người mua nhà có thực sự mua được các suất ngoại giao giá rẻ hay không lại là câu chuyện khác.

Khảo sát một dự án lớn ở Cầu Giấy (Hà Nội) hiện chưa xong móng, nghĩa là chưa đủ điều kiện được mua bán, nhưng trên thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin rao bán suất ngoại giao với các mức giá khác nhau, từ 33 triệu đồng/m2, đến 34,3 hay 34,5 triệu đồng/m2, thậm chí có rao bán còn khẳng định rẻ hơn giá thị trường 1 triệu đồng/m2.

Điển hình dự án là FLC 265 Cầu Giấy, mặc dù chưa mở bán, chủ đầu tư đang xây dựng phần móng nhưng hiện nay cũng được các văn phòng môi giới, cò mồi đứng ra nhận đăng ký đặt chỗ, với mồi nhử là đặt chỗ trước sẽ mua được suất giá rẻ, suất ngoại giao, khiến khách hàng bị rơi vào ma trận. Rồi sau đó, chủ đầu tư dùng chiêu bài “thổi giá”, rêu rao lên đến 37 - 40 triệu đồng/m2, khiến dư luận nghi ngờ về giá cả, khách hàng như bị “tung hỏa mù” về dự án này.

chieu tro bay khach hang bang suat ngoai giao cua chu dau tu

Ecolife đang xây phần móng, cò tung suất ngoại giao làm mồi nhử câu khách

Một ngày đầu tháng 11/2015, PV xuống tìm hiểu Ecolife Capitol, 58 Lê Văn Lương chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô, PV chứng kiến ngay tại trước cổng dự án, những tay xe ôm kết hợp với nhân viên cò mồi dự án mời chào PV mua suất ngoại giao giá rẻ. Khi được hỏi H, một nhân viên cò mồi dự án Ecolife Capitol mời chào: “ Dự án bên em nhiều suất ngoại giao cần bán lắm. Anh định mua căn 70m2 à? Suất này rẻ hơn giá gốc của chủ đầu tư từ 5-7% tổng giá trị căn hộ… Anh cho em xin điện thoại, địa chỉ có suất ngoại giao nào em gọi… ”. Nếu khách hàng không cẩn thận sẽ rơi vào mồi nhử của “cò mồi” lẫn chủ đầu tư…

Tuy nhiên, cũng lại có những dự án được rao bán suất ngoại giao có giá cao hơn cả giá thị trường. Đây là “chiêu trò” mới xuất hiện trên thị trường của chủ đầu tư, nhằm dễ bề đẩy giá bán căn hộ lên cao hơn mà vẫn hút người mua.

Một chiêu thức khá phổ biến nữa đang được một số chủ dự án bất động sản sử dụng, đó là mở bán nhiều đợt với số lượng căn hộ khác nhau, và trong các đợt mở bán sau giá sẽ được tăng dần. Cụ thể, ở lần bán đầu tiên bao giờ cũng là lần mở bán “rắc thính” để thu hút khách hàng bằng số lượng căn hộ ít ỏi kèm theo mức giá khá hấp dẫn, có thể là mức giá rẻ nhất trong các đợt bán hàng của chủ đầu tư.

chieu tro bay khach hang bang suat ngoai giao cua chu dau tu

FLC 265 Cầu Giấy đang xây phần móng đã rao nhận đặt giữ chỗ, bán suất ngoại giao

Các lần mở bán sau sẽ có mức giá tăng hơn so với những lần mở bán trước, khiến khách hàng đang có ý định đầu tư sẽ cảm thấy sốt ruột và nghĩ rằng dự án hấp dẫn người mua và đã bán hết những căn mở bán trước nên mới tăng giá. Dù không mới, nhưng câu chuyện “giá chênh” vẫn xuất hiện trên thị trường trong thời gian gần đây, khi người mua nhà nắm bắt được chiến thuật “bắt tay” giữa các chủ đầu tư và các sàn giao dịch bất động sản.

Chủ đầu tư thường giao hàng độc quyền cho một vài sàn giao dịch bất động sản và các đơn vị này có chức năng chính làm môi giới kèm theo một vài thủ thuật, tạo sự khan hiếm hàng ảo, khiến người mua khó có thể tiếp cận được sự án. Còn từ phía chủ đầu tư, tuy còn “hàng” nhưng nếu người mua hỏi sẽ trả lời là “hết” hàng. Một mặt là để cùng tạo ra khan hiếm giả, mặt khác lại tiếp tay cho các sàn để “đẩy” giá lên. Điều này sẽ khiến cho người mua không biết được đâu là giá thật của căn hộ.

Chưa hết, môi giới còn liên tục nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng có nhu cầu, đã tìm hiểu tại dự án về mức giá chênh của từng căn hộ tăng theo ngày. Với những lời thuyết phục hấp dẫn như: Dự án mới bắt đầu triển khai mới có giá chênh thấp, nhưng chỉ để thêm một tháng nữa, dự án càng triển khai nhiều hạng mục thì giá chênh càng cao hơn, nên anh chị cần cân nhắc mua ngay. Nếu trong quá trình thanh toán, không đủ khả năng thì anh chị có thể bán lại, khi ấy giá chênh đã lên cao gấp đôi, thậm chí hơn, lãi thu về như thế bằng nhiều lần gửi tiền vào ngân hàng…

Hiện tượng một số dự án vừa bung ra thị trường nhưng chỉ trong vòng vài ngày đến một tháng, chủ đầu tư đã thông báo bán hết hàng, còn người mua nhà muốn mua phải mua lại thông qua môi giới với mức giá chênh lệch… được chuyên gia nhận định có sự “bắt tay” giữa chủ đầu tư và môi giới.

Ông Richard Leech – Giám đốc điều hành CBRE cho rằng, hiện trên thị trường số lượng các sàn bất động sản cũng như nhân viên của các sàn đã tăng lên rất nhiều. Do đó, các sàn thường có sự cạnh tranh nhau khốc liệt, các nhân viên tăng tần suất gọi điện, nhắn tin qua điện thoại, Facebook quảng cáo các dự án đến khách hàng. Do đó, với những chủ đầu tư lớn hiện nay cũng phải có quy trình, quy chế để kiểm soát chặt chẽ hệ thống đại lý bán hàng để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo uy tín của chủ đầu tư.

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chieu-tro-bay-khach-hang-bang-suat-ngoai-giao-cua-chu-dau-tu-59340.html

In bài viết