Những "con số biết nói" về tự chủ đại học sau 3 năm thí điểm

08:11 | 24/10/2017

Số lượng các công trình khoa học được công bố tăng gấp đôi, số các bằng sáng chế tăng gấp gần 3 lần, số hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng 1,33 lần, tỷ lệ giảng viên có trình độ phó giáo sư và giáo sư gấp rưỡi các trường chưa tự chủ…

nhung con so biet noi ve tu chu dai hoc sau 3 nam thi diem

Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các trường đại học đã diễn ra sáng, 20/10, tại Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đó là những "con số biết nói" về kết quả ba năm thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Thông tin này vừa được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017. Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng ngày 20/10, tại Hà Nội.

“Chúng tôi đã năng động hơn”

Nghị quyết 77 do Chính phủ ban hành năm 2014 đã quy định quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học bao gồm ba lĩnh vực: tự chủ về đào tạo và khoa học công nghệ, tự chủ về tổ chức bộ máy nhân sự và tự chủ về tài chính.

Từ tháng 10/2014 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017 theo Nghị quyết 77 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập. Trong đó có 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm (trong đó có trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017).

Cơ chế mới đã thực sự mang lại một sinh khí mới cho các trường đại học.

Phát biểu tại Hội nghị, phó giáo sư Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng Đại học Hà Nội chia sẻ: “Khi thực hiện tự chủ, chúng tôi bị cắt kinh phí Nhà nước cấp. Nhưng cái được là chúng tôi đã năng động hơn rất nhiều, thay đổi về tư duy. Đó là cái được nhất, dù có thể chúng tôi chưa có tiền, chưa có tòa nhà cao.”

Và với sự năng động đó, các trường đã có những chuyển biến tích cực trong nhiều mặt như nghiên cứu khoa học, quản trị đại học, nâng cao chất lượng đội ngũ và đem lại hiệu quả đào tạo tốt hơn cho sinh viên.

Điều đó được thể hiện khá rõ trong báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát của Đại học Kinh tế quốc dân trong đối sánh giữa hai nhóm trường tự chủ và chưa tự chủ.

nhung con so biet noi ve tu chu dai hoc sau 3 nam thi diem

Phó giáo sư Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng Đại học Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tăng gấp đôi lượng bài báo khoa học quốc tế

Nhóm đã thực hiện khảo sát tại 27 trường, trong đó có 19 trường đã được thí điểm tự chủ.

Kết quả cho thấy, ở các trường tự chủ, do thủ tục hành chính được giảm bớt nên đã chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các trường cũng tích cực thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình quốc tế.

Đặc biệt, trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những bước tiến khá mạnh.

Ở 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, số lượng các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng gần gấp đôi, từ 574 bài (năm 2013) lên 1.437 bài (năm 2016). Thậm chí ở Đại học Tôn Đức Thắng, số bài báo khoa học quốc tế tăng gấp 12 lần, từ 55 bài (năm 2013) lên 693 bài (năm 2016).

Lượng bằng sáng chế của các trường cũng tăng từ con số 21 (năm 2013) lên 61 bằng sáng chế (năm 2016). Số hợp đồng chuyển giao công nghệ năm 2016 của các trường tăng gần gấp 1,33 lần so với năm 2013. Số hội thảo khoa học cũng tăng mạnh, trong đó các hội thảo quốc tế nhiều hơn hội thảo trong nước.

Các trường tiêu biểu trong phát triển khoa học công nghệ như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghiệp thực phẩm Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam…).

Các trường tự chủ cũng đã có những điều chỉnh trong quản trị, cơ cấu lại bộ máy nhân sự hợp lý hơn.

Học bổng cho sinh viên tăng gần 40%

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, sau khi thực hiện tự chủ, nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp của các trường đã giảm 16,51%, nhưng bù lại, nguồn thu từ học phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác tăng 23,47%.

Cơ cấu các khoản thu của các trường đại học công lập tự chủ chưa có sự thay đổi rõ rệt trước và sau tự chủ, với nguồn thu chủ yếu vẫn là từ học phí, chiếm trên 70% tổng thu.

Học phí của các trường sau khi được thí điểm tự chủ đều đã tăng lên, trong đó học phí chương trình tiên tiến, chất lượng cao và tiến sỹ tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, các trường cũng có nhiều chính sách học bổng hơn cho sinh viên. Cụ thể, mức chi học bổng cho sinh viên của các trường trước khi tự chủ (năm học 2013 - 2014) là 98 tỷ đồng. Năm học 2015 - 2016, sau khi thực hiện tự chủ, con số này là 137 tỷ đồng, tăng 39,3%.

Bên cạnh chỉ ra những kết quả tích cực từ thực hiện thí điểm tự chủ, kết quả khảo sát cũng cho thấy hiện còn rất nhiều rào cản cho việc thực hiện tự chủ đại học, từ cơ chế chính sách, văn bản pháp luật đến những vấn đề thực tiễn triển khai.

Theo đó, có đến 33 kiến nghị được nhóm nghiên cứu gửi đến các bên liên quan, từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học Công nghệ và trường đại học. Các kiến nghị nhằm tìm ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn việc tự chủ ở các trường đại học.

Theo Vietnam+

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-con-so-biet-noi-ve-tu-chu-dai-hoc-sau-3-nam-thi-diem-59238.html

In bài viết