Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải nguyên nhân 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

19:16 | 12/08/2017

TĐO - Lý giải về nguyên nhân khiến hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là hiện tượng không quá khó hiểu bởi, trường nào chất lượng tốt thì sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn và ngược lại.

Chất lượng kéo theo số lượng

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, trong số 363.600 nghìn thí sinh trúng tuyển đợt 1 theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia thì chỉ có hơn 242.000 thí sinh đến các trường đại học làm thủ tục nhập học, còn lại hơn 110.000 thí sinh đã từ chối cơ hội nhập học của mình. Con số hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng lại không nhập học là không hề nhỏ. So với trước đây, thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học không phải không xảy ra, tuy nhiên số lượng rất nhỏ. Con số này đã khiến không ít phụ huynh lo lắng trong thời gian qua.

bo truong phung xuan nha ly giai nguyen nhan 110000 thi sinh trung tuyen nhung khong nhap hoc

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học là hiện tượng không quá khó hiểu

Lý giải về hiện tượng này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xác nhận đây là con số thực, tuy nhiên không hẳn là đáng lo ngại. Bộ trưởng đề nghị chúng ta phải hết sức bình tĩnh.

Theo Bộ trưởng: “Chất lượng kéo theo số lượng”. Trường nào chất lượng tốt sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn và nếu chất lượng đào tạo của trường kém hiệu quả thì đương nhiên sẽ không thể thu hút được thí sinh nhập học dù đã trúng tuyển. Nếu trường có chất lượng đào tạo tốt, sinh viên cũng được đào tạo tốt thì sau khi ra trường cơ hội việc làm sẽ mở rộng hơn và ngược lại. Do đó, việc lựa chọn ngành nghề học và cơ hội việc làm ảnh hưởng rất nhiều đến lựa chọn nhập học của thí sinh. Vậy nên không quá khó hiểu hiện tượng có đến hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, chúng ta cần chấp nhận rằng các cơ sở giáo dục phải có sự cạnh tranh, phân tầng chất lượng. Các trường có chất lượng tốt thì thí sinh sẽ yên tâm hơn về công tác xét tuyển.

Ông cũng lưu ý thêm: "Các trường đại học phải nhìn vào cung - cầu của thị trường để cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như định hướng phát triển. Không phải ngành nào có thế mạnh là đổ xô đào tạo trong khi thị trường không cần. Có ngành chúng ta có năng lực đào tạo rất tốt nhưng thị trường không cần thì phải giảm, thậm chí đóng cửa. Đặc biệt, trong điều kiện thế giới thay đổi nhanh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ thì xu hướng ngành học càng thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, giáo dục đại học hiện đại phải nghĩ đến tiếp cận theo hướng nhu cầu thị trường".

Gọi điện tới từng thí sinh

Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho biết, trong đợt 1 có 363.600 thí sinh trúng tuyển (tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 352.174 thí sinh) và có hơn 242.000 thí sinh xác nhận nhập học.

bo truong phung xuan nha ly giai nguyen nhan 110000 thi sinh trung tuyen nhung khong nhap hoc

Nhiều trường đại học ngỡ ngàng vì thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

Trường đại học Giao thông vận tải hiện tại còn thiếu khoảng 300 chỉ tiêu. Nhà trường gọi điện thoại cho 70 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng các em đều trả lời không đi học. Các em nói rằng, đăng ký xét tuyển đại học này là vì ở trường THPT khuyến khích đăng ký. Mặc dù những ngành các em này đăng ký đều là những ngành "hot" của trường. "Trường sẽ thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung" - ông Chương cho hay.

Tương tự trường đại học Xây dựng, hiện nay đã có 89% thí sinh đến nhập học, trường còn thiếu khoảng 300 sinh viên mới đủ chỉ tiêu. Ông Nguyễn Đình Thi, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, nhà trường đã gọi điện cho từng thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không đến nhập học, các em trả lời với nhiều lý do và chủ yếu nói không có nhu cầu học. Ông Thi cho rằng, có thể các em đi nước ngoài du học hoặc học nghề.

Trường đại học Lao động Thương binh và Xã hội có chỉ tiêu tuyển sinh là 3750. Trường đã gọi trúng tuyển lên tới 4.134 thí sinh (trong tổng số gần 13.000 nguyện vọng vào trường). Đến thời điểm hiện tại, trường mới nhận được 3034 thí sinh nộp phiếu điểm. Đạt gần 80% chỉ tiêu. Trường còn thiếu khoảng 800 chỉ tiêu.

Đặc biệt, Trường đại học Kinh Bắc ghi nhận có 310 em trúng tuyển trên tổng 750 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ 41%. Tuy nhiên, tới 18h30 ngày 7/8 (hạn cuối thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học), chỉ có 1 thí sinh nhập học.

Còn Trường đại học Công nghiệp Vinh có 114 thí sinh trúng tuyển trên tổng 275 chỉ tiêu. Thế nhưng mới chỉ có 2 thí sinh nhập học.

An Nhi (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-ly-giai-nguyen-nhan-110000-thi-sinh-trung-tuyen-nhung-khong-nhap-hoc-59126.html

In bài viết