Giáo dục khai phóng: Hướng đi mới cho nền giáo dục hiện đại

16:08 | 05/08/2017

TĐO - Hội thảo “Giáo dục khai phóng - mô hình Hoa Kỳ” đã diễn ra sáng 4/8. Chương trình do Hội hữu nghị Việt - Mỹ TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội. Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia đã trao đổi những ý tưởng cốt lõi của giáo dục khai phóng theo mô hình Hoa Kỳ và sự tương tác với giáo dục Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ TP.HCM nhấn mạnh, thành tựu sâu sắc và chiến lược nhất trong quan hệ Việt - Mỹ chính là giáo dục. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright là mô hình sáng tạo vào những năm tháng rất khó khăn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cùng với học bổng VEF đã góp phần đào tạo nhiều nhà kỹ trị và chuyên viên Việt Nam cho nền kinh tế thị trường mở cửa.

Giáo dục Hoa Kỳ với những giá trị toàn cầu và nhân văn đã tác động vào nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Tính đến nay, gần 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, đứng thứ ba các quốc gia về số lượng sinh viên du học Hoa Kỳ.

Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. HCM cho biết hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đánh giá cao cách suy nghĩ sáng tạo, giải quyết vấn đề sáng tạo và cải cách. Chương trình giáo dục khai phóng là nền tảng cho hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ và hội thảo này sẽ giúp mọi người hiểu hơn về việc học tập tại nền giáo dục khai phóng ở Hoa Kỳ.

giao duc khai phong huong di moi cho nen giao duc hien dai

Các đại biểu tham gia hội thảo giáo dục khai phóng sáng 4/8. (Ảnh: T.L)

Giáo dục khai phóng là gì?

Giáo dục khai phóng bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại và người Hy Lạp xem đó là đỉnh cao của tri thức. Điểm đặc trưng của nó là có một chương trình đào tạo linh hoạt, đòi hỏi chiều rộng cũng như chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng quyền lựa chọn cho sinh viên. Giáo dục khai phóng là một hệ thống giáo dục đại học được thiết kế để thúc đẩy sinh viên gia tăng mong muốn và khả năng học hỏi, suy nghĩ chín chắn, giao tiếp thành thạo, trở thành một công dân có trách nhiệm với xã hội.

Riêng tại Mỹ có trên 4.500 trường đại học trong đó có 230 trường theo mô hình giáo dục khai phóng. Thống kê tại Mỹ cho thấy khoảng 20% sinh viên ra đời thành công xuất thân từ các đại học khai phóng và cứ 12 giám đốc điều hành thành công tại Mỹ có 1 người xuất thân từ đại học khai phóng.

Bà Đàm Bích Thủy - Hiệu trưởng ĐH Fulbright Việt Nam, trường ĐH theo mô hình giáo dục khai phóng, cho biết các mô hình giáo dục khác dạy sinh viên kiến thức, kỹ năng để làm một công việc cụ thể. Còn giáo dục khai phóng có ba nguyên tắc: dạy cách học, học cách nghĩ và học cách sống. Sinh viên năm nhất chưa cần trả lời câu hỏi ra trường sẽ làm gì, trong hai năm tiếp theo, sinh viên được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau một cách tự chọn, không áp đặt để các em khám phá ra mình say mê điều gì, khát khao làm việc gì nhất để đưa ra quyết định.

giao duc khai phong huong di moi cho nen giao duc hien dai

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trao quyết định tài trợ trị giá 15,5 triệu USD của chính phủ Mỹ cho bà Đàm Bích Thủy vào tháng 6/2017

Phát triển giáo dục khai phóng tại Việt Nam

Tại hội thảo, TS Trần Xuân Thảo - Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Giáo dục ĐH của chúng ta hướng sinh viên vào một công việc cụ thể do đó dễ bị đào thải rất nhanh. Giáo dục khai phóng không hướng sinh viên viên vào công việc cụ thể ngay từ đầu mà cung cấp cho họ những kiến thức tổng quát rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cung cấp công cụ để họ khám phá bản thân, thế giới xung quanh để sau này họ có thể tiếp cận, chuyển đổi công việc linh hoạt, không bị lỗi thời”.

Tiến sĩ Trần Ngọc Châu - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh giáo dục Việt Nam cần phải có cuộc cách mạng, tạo ra sự tương tác với mô hình giáo dục khai phóng nhằm tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực phát triển bền vững. Tại Việt Nam, giáo dục khai phóng sẽ là nền tảng cho thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo ông Châu, dạy con người một nghề chưa đủ mà phải được dạy để có một ý thức sống động về chân, thiện, mỹ, nếu không với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, người học chỉ giống một chuyên viên được huấn luyện tốt hơn là một người được phát triển hài hòa.

Bà Đàm Bích Thủy chia sẻ, tại Việt Nam, kiên định với những nguyên tắc nền tảng của một hệ thống giáo dục khai phóng mà truyền thống Đại học Harvard đã gây dựng trên mấy trăm năm, để xây dựng một đại học cho người Việt Nam và do người Việt Nam quản trị đó là Đại học Fulbright (FUV). Đây là một minh chứng rõ ràng của Chính phủ Mỹ về thiện chí xây dựng và hỗ trợ Việt Nam một đại học theo mô hình đại học khai phóng của Mỹ.

An Nhi (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giao-duc-khai-phong-huong-di-moi-cho-nen-giao-duc-hien-dai-59109.html

In bài viết