Chất vấn Bộ trưởng Giáo dục: “nóng” chuyện thất nghiệp và đề án dạy ngoại ngữ

11:30 | 16/11/2016

TĐO - Tại phiên chất vấn sáng nay (16/11), trước câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đề án dạy ngoại ngữ hơn 9.000 tỷ đồng không đạt mục tiêu, người đứng đầu ngành cũng nhận trách nhiệm về vấn đề thất nghiệp và nêu phương án khắc phục chuyện này.

Sáng nay (16/11), tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo diễn ra ở hội trường tòa nhà Quốc hội, 59 đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Trong đó, nổi bật có 2 vấn đề thu hút sự quan tâm của mọi người về đề án dạy ngoại ngữ hơn 9.000 tỷ đồng và vần đề sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng.

chat van bo truong giao duc nong chuyen that nghiep va de an day ngoai ngu

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 16/11. (Ảnh: Tiền Phong)

Đề án ngoại ngữ hơn 9.000 tỷ không đạt mục tiêu

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Ánh (Hiệu trưởng Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề án đào tạo ngoại ngữ với kinh phí khoảng 9.400 tỷ đồng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 đa số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu làm việc, giao tiếp. Nhưng đến nay sau gần 8 năm thực hiện, đã tiêu tốn 5.000 tỷ đồng, nhưng nhiều mục tiêu chưa đạt được như mong muốn. Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp Bộ đưa ra thì dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không? Ông Nhạ đã thẳng thắn thừa nhận là đề án này không đạt.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, trong quá trình triển khai đề án Bộ cũng đưa ra lộ trình nhưng không đạt vì việc dạy ngoại ngữ đòi hỏi thời gian lâu dài nên Bộ sẽ điều chỉnh cách tiếp cận và mục tiêu của đề án và trình Chính phủ trong thời gian tới. Ông Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục không đề ra mục tiêu đến năm 2020 mọi đối tượng được đào tạo về ngoại ngữ, thay vào đó sẽ tập trung vào đổi mới chương trình, đào tạo giáo viên, xã hội hoá.

Cụ thể, Bộ Giáo dục sẽ tập trung đến khắc phục những vấn đề khó nhất của từng tổ chức, cá nhân như biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu hội nhập, chứ không phải là soạn sách căn cứ vào trình độ của thầy. Đồng thời, quan tâm đến công tác đào tạo thầy cô dạy ngoại ngữ.

"Muốn yêu cầu học sinh giỏi hơn, trình độ ngoại ngữ tốt hơn thì trình độ, yêu cầu với thầy phải cao hơn... Tuy nhiên, cần thêm thời gian để nâng trình độ ngoại ngữ với giáo viên. Bộ Giáo dục sẽ làm việc với Bộ Nội vụ, điều chỉnh yêu cầu ngoại ngữ giáo viên theo đúng đối tượng để đảm bảo tính khả thi. Giáo viên mới tuyển vào thì tiếng Anh phải đảm bảo ở trình độ cao và sẽ có lộ trình với các giáo viên còn lại, tránh tình trạng "mua bán chứng chỉ... Thầy cô không còn nhiều thời gian công tác thì không nên ép", Bộ trường Phùng Xuân Nhạ nói.

Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học để giảm thất nghiệp

Về việc mỗi năm có hàng nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp. Các đại biểu chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục: Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị): “Hiện nay có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Nhưng ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu... Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không? Còn đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn: “Tình trạng sinh viên không có việc làm gây nhức nhối cho xã hội. Bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với tình trạng này?”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vấn đề này ông cũng rất quan tâm và trăn trở. Về chất lượng đào tạo, Bộ nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp là có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm.

Theo ông Nhạ, trong 5 năm có khoảng 300.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Sinh viên học ở trường có chất lượng giáo dục tốt thường có việc làm ngay khi ra trường nhưng đối với sinh viên học ở những trường mới thành lập hay chất lượng đào tạo chưa cao thì chịu cảnh thất nghiệp. Nên sắp tới, Bộ sẽ đột phá vào vấn đề này, phân loại chất lượng các trường đại học. Phải quy hoạch lại mạng lưới, phân loại các trường đại học.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, ở địa phương không nhất thiết phải có trường đại học, sinh viên không nhất thiết phải học gần nhà, cần tập trung mạng lưới các trường đại học. Trên cương vị người đứng đầu ngành giáo dục, ông Nhạ khẳng định sẽ tập trung siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, không chỉ chất lượng đầu vào mà cả chất lượng đầu ra.

Bên cạnh đó, vấn đề sinh viên thất nghiệp, theo ông Nhạ còn phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp, thị trường. Những vấn đề này do các bộ trưởng khác phụ trách và sẽ trả lời thêm với Quốc hội.

Minh Hà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chat-van-bo-truong-giao-duc-nong-chuyen-that-nghiep-va-de-an-day-ngoai-ngu-58897.html

In bài viết