Các nhà khoa học gốc Việt & Hành trình thực hiện "giấc mơ Mỹ"

08:00 | 05/07/2015

(TĐO) - Các nhà khoa học người Việt hoặc người Mỹ gốc Việt có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của xứ sở cờ hoa. Hãy cùng khám phá những hành trình thú vị mà họ đã trải qua để biến giấc mơ tươi đẹp của mình trở thành hiện thực!

Eugene Trịnh– người Việt thứ hai bay vào vũ trụ

cac nha khoa hoc goc viet hanh trinh thuc hien giac mo my

Eugene Trịnh (Trịnh Hữu Châu) sinh ngày 24/9/1950 tại Sài Gòn. Ông là con trai út của kỹ sư công chánh Trịnh Ngọc Sang. Năm 1953, ông cùng với gia đình sang định cư ở Pháp, nơi đây chính là tiền đề phát triển sự nghiệp của chàng kỹ sư tài năng này.

Trịnh Hữu Châu học trung học tại Trường Michelet (Paris) và lấy bằng năm 1968. Sau đó, ông sang Mỹ học ngành chế tạo máy và vật lý ứng dụng tại Đại học Columbia, tốt nghiệp năm 1972. Trong hai năm liên tiếp 1974 và 1975, chàng trai Sài Gòn này nhận học bổng và bảo vệ thành công các luận án thạc sĩ khoa học và triết học. Sau đó tiếp tục học lên tiến sĩ và năm 1977 lấy được bằng vật lý ứng dụng của Đại học Yale lừng danh.

Năm 1979, Eugene "lọt vào tầm ngắm" của NASA như là một tài năng hiếm thấy và ngay lập tức ông được mời vào làm việc tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực của NASA. Trong thời gian này, ông kết thúc khóa học sau tiến sĩ và tham gia các hoạt động nghiên cứu của Viện Kỹ thuật California dưới sự hỗ trợ của NASA.

cac nha khoa hoc goc viet hanh trinh thuc hien giac mo my

Trịnh Hữu Châu (thứ 2 từ trái sang) cùng phi hành đoàn tàu Columbia STS – 50

Năm 1983, NASA chọn ông để huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3) của mình. Ông trở thành người dự khuyết cho chuyên viên sức đẩy nổi tiếng Taylor Wang. Tháng 8/1990, NASA cái tên Eugene Trịnh được điền vào danh sách thành viên nghiên cứu sức đẩy tại phòng thí nghiệm vi trọng lực của tàu con thoi. Ngày 25/6/1992, sau khi hoàn thành hai năm huấn luyện, ông có mặt trong chuyến bay của tàu con thoi Columbia STS – 50 bay lên không gian.

Như vậy, Trịnh Hữu Châu đã trở thành người Việt thứ hai bay vào vũ trụ sau khi Phạm Tuân làm được điều kỳ diệu tương tự trước đó 12 năm (1980).

Đến nay, hơn 40 công trình khoa học của Trịnh Hữu Châu đã được công bố trên các tạp chí khoa học lớn của Mỹ và châu Âu. Ông là thành viên của các hiệp hội nghiên cứu không gian như Tổ chức Nghiên cứu Sigma Xi, Hội Vật lý Mỹ, Hội Cơ học Mỹ, Viện Hàng không và không gian Mỹ, Hiệp hội Nghiên cứu về nguyên liệu, Hiệp hội Khám phá không gian… NASA đã trao tặng ông huy chương phi hành gia, huy chương thành tựu khoa học đặc biệt và bốn bằng phát minh cùng với các đồng nghiệp.

Ông cũng đã nhận được 7 giải thưởng công nghệ của NASA từ năm 1985 tới nay, trong đó có dụng cụ đo lường về trọng lực thấp được đặt trong máy bay phản lực KC-135 của NASA. Hiện tại, ông đang làm Giám đốc bộ phận Khoa học tự nhiên tại trụ sở của NASA ở Thủ đô Washington.

GS. Lê Tự Quốc Thắng - niềm tự hào của toán học Việt Nam

cac nha khoa hoc goc viet hanh trinh thuc hien giac mo my

Xuất thân trong một gia đình có “gene” về toán, bản thân Lê Tự Quốc Thắng không chỉ ham thích và đam mê học toán mà còn có năng khiếu đặc biệt về môn học này. Sau 8 năm theo học ở Nga, anh đã lấy tiến sĩ toán với chuyên ngành topo vào năm 1991 ở ĐH Tổng hợp Lomonosov.

Trước khi đến Mỹ, anh đã từng làm việc tại Viện Toán học Steklov của Nga, Viện Toán học Max - Planck tại Bonn, Ðức rồi Viện Vật lý Lý thuyết tại Trieste, Italy. Nhận xét về anh, một chuyên gia toán học nói: “Lê Tự Quốc Thắng chính là một trong những chuyên gia về hình học topo giỏi nhất trong hàng ngũ thuộc thế hệ anh ấy”.

Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến cho vị trưởng khoa của trường Khoa học tự nhiên thuộc ĐH New York cố gắng “giữ chân” anh lại khi Viện Công nghệ Georgia - trường ĐH hàng đầu của miền Ðông Nam nước Mỹ mời anh về làm việc với cương vị là giáo sư chính.

Học viện Georgia được đánh giá là một trong 5 trường mạnh nhất nước Mỹ về các ngành kỹ thuật (theo US News & World Reports), vì muốn phát triển Toán lý thuyết và ngành topo hình học, Học viện Công Nghệ Georgia đã tìm những người đầu ngành trong lĩnh vực này để giảng dạy.

cac nha khoa hoc goc viet hanh trinh thuc hien giac mo my

Ảnh chụp tại Buffalo, New York cuối tháng 4/2005, sau buổi bảo vệ luận án TS. Toán học của 3 nghiên cứu sinh do chính GS. Thắng hướng dẫn. Từ trái qua: Huỳnh Quang Vũ, Dorin Cheptea (người Romania), GS Lê Tự Quốc Thắng và Jiangnan Fan (người Trung Quốc).

Khoảng năm 1995, cùng với hai nhà toán học người Nhật là J.Murakami và T. Ohtsuki, Lê Tự Quốc Thắng phát minh bất biến lượng tử mang tên Le - Murakami - Ohtsuki, mở ra một hướng mới cho ngành lý thuyết bất biến và đa tạp ba chiều. Việc phát minh ra bất biến này gây một tiếng vang lớn trong giới toán học và điều đó có ảnh hưởng lớn, tạo nên vị trí và tên tuổi của anh trong làng toán học thế giới.

Với những thành công nêu trên, anh chính là một trong những tác giả được mời tham gia viết 1 trong 350 đề mục của quyển “Bách khoa toàn thư về vật lý toán” (Encyclopedia of Mathematical Physics) do nhà xuất bản Elsevier ấn hành.

Cùng với GS. Toán học Ngô Bảo Châu và Nguyễn Tiến Dũng (đều là các học sinh đã giành huy chương vàng tại các kì thi IMO) , Lê Quốc Tự Thắng tích cực kết nối giúp giới toán học Việt Nam có điều kiện giao lưu với nước ngoài để tiếp tục làm toán. Ngoài ra, anh còn liên tục tìm cách giới thiệu, tuyển chọn một số sinh viên Việt Nam qua Mỹ học nghiên cứu sinh ngành toán.

cac nha khoa hoc goc viet hanh trinh thuc hien giac mo my

Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng cùng với nhà toán học Phạm Hữu Tiệp tại bang Florida

Hàng năm, vào dịp hè, anh thường về nước và tham gia giảng dạy tại lớp cử nhân tài năng toán trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. HCM. Đặc biệt, tại kì thi IMO (International Mathematical Olympiad) lần thứ 48 tổ chức ở Hà Nội, GS. Thắng cùng nhiều giáo sư toán học Việt kiều đã về nước tham gia vào công tác chấm thi, tạo ra dấu son đáng nhớ cho thành tích của khoa học nước nhà.

Tiến sĩ Võ Đình Tuấn - nhà tiên phong của ngành lượng tử ánh sáng

Tốt nghiệp trung học ở Việt Nam rồi sang nước ngoài du học, sinh sống và làm việc, Võ Đình Tuấn liên tục gặt hái các thành tựu to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Ông hiện là viện trưởng một viện nghiên cứu ở Mỹ và là tác giả của hơn 30 bằng phát minh, sáng chế.

cac nha khoa hoc goc viet hanh trinh thuc hien giac mo my

Từ năm 2003, tiến sĩ Võ Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm Lượng tử ánh sáng y sinh học, Viện Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL), bang Tennessee chính thức giữ chức Viện trưởng Viện Lượng tử ánh sáng Fitzpatrick của trường Đại học Duke ở Bắc Carolina, Mỹ.

Với mong muốn biến Đại học Duke thành một trung tâm nghiên cứu quốc gia về lượng tử ánh sáng, GS. Tuấn cho biết: "Lượng tử ánh sáng là một ngành khoa học quan trọng về sự tương tác giữa những vật thể ánh sáng. Lượng tử ánh sáng là trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và có ảnh hưởng rất lớn đến những lĩnh vực như chẩn đoán bệnh, sản xuất phân tử, quốc phòng và y tế toàn cầu". George Truskey - Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Y sinh của Trường Kỹ thuật Pratt thuộc Đại học Duke đánh giá tiến sĩ Võ Đình Tuấn là nhà tiên phong trong lĩnh vực lượng tử ánh sáng và công nghệ sinh học na-nô.

cac nha khoa hoc goc viet hanh trinh thuc hien giac mo my

Được biết, Võ Đình Tuấn sang Thụy Sĩ du học năm 17 tuổi và lấy bằng Cử nhân Vật lý vào năm 1971. 4 năm sau, Võ Đình Tuấn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hóa lý tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH) ở Zurich. Năm 1975, ông sang định cư tại Hoa Kỳ.

2 năm tiếp đó, ông là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ORNL. Trong thời gian ở ORNL, ông phát minh ra nhiều công cụ và thiết bị có công dụng phát hiện bệnh tiểu đường, ung thư, thương tổn tế bào di truyền và tình trạng nhiễm độc ở người. Ông cũng là tác giả của những phát minh, sáng chế trong nhiều lĩnh vực như: kiểm soát, phân tích và cảm ứng môi trường; phân tích dấu vết bằng kỹ thuật laser kết hợp với ứng dụng quang học; chẩn đoán y sinh học; cảm ứng y sinh học và môi trường...

Thanh Ngân

Tổng hợp

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cac-nha-khoa-hoc-goc-viet-hanh-trinh-thuc-hien-giac-mo-my-58199.html

In bài viết