Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia chính thức: Nhiều điểm có lợi cho thí sinh và các trường

10:14 | 17/12/2016

TĐO - Năm 2017 quy chế tuyển sinh có nhiều điều thuận lợi cho thí sinh và các trường. Theo dự thảo chính thức được Bộ GD&ĐT công bố, thi sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn, không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường. Đồng thời, các trường còn được tổ chức tuyển sinh riêng và xét tuyển nhiều lần trong năm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức công bố Dự thảo về Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học; trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên. Quy chế này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học; các trường cao đẳng đào tạo giáo viên các sở giáo dục và đào và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện tuyển sinh chính quy, trình độ đại học; trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.

du thao quy che thi thpt quoc gia chinh thuc nhieu diem co loi cho thi sinh va cac truong

Theo quy chế tuyển sinh chính thức, thí sinh được đăng ký nhiêu nguyện vọng. (Ảnh minh họa)

Các trường có thể tự tổ chức tuyển sinh và xét tuyển nhiều lần trong năm

Đối với các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển: xác định và công bố công khai việc dùng các tổ hợp điểm thi của các bài thi/môn thi (bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội) và các môn thi thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội) để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành; căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ GD&ĐT để quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học.

Các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu... kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia: xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt và phương thức xét tuyển.

Các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển có thể tổ chức thi tuyển: Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện ra đề thi, coi thi, chấm thi; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh;

Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của các trường khác để xét tuyển phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường.

Ngoài ra, có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Đối với các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh; thực hiện các quyền và nhiệm vụ tương ứng với từng phương thức .

Các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm học, báo cáo Bộ GD&ĐT kết quả tuyển sinh của năm học trước ngày 31/1 của năm kế tiếp.

Các trường dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống

Bộ Giáo dục yêu cầu, những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống.

Việc thêm các tổ hợp môn thi/bài thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/ bài thi để xét tuyển cho một ngành. Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.

Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Không giới hạn số nguyện vọng, số trường đăng ký xét tuyển

Thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

Đối với mỗi thí sinh, nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi/bài thi theo thang điểm 10 đối với từng môn thi/bài thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tuợng, khu vực theo Điều 7 của Quy chế này. Nếu có các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển đối với thí sinh ĐKXT nguyện vọng ưu tiên cao hơn và theo các điều kiện phụ mỗi trường đã thông báo.

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác bổ sung.

Xây dựng cổng thông tin tuyển sinh

Theo dự thảo tuyển sinh ĐH, CĐ chính thức của Bộ GD&ĐT, xây dựng Cổng Thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh; bao gồm các thông tin về: chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.

Quy trình xét tuyển được thực hiện như sau: Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT), các trường/nhóm trường khai thác thông tin (của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan) trên Cổng thông tin tuyển sinh để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường theo quy định.

Sau đó, các trường/nhóm trường nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.

Các trường/nhóm trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc ảo so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp. Các trường có thể điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần trong thời gian quy định để có được danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức (các thí sinh này chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất).

Đặc biệt năm nay, Bộ dự kiến sẽ không đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng (điểm sàn) như mọi năm.

Xét tuyển bổ sung được thực hiện nhiều lần

Các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1 (kể cả số thí sinh được tuyển thẳng và số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị đại học được giao về trường) để xét tuyển bổ sung.

Các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1; công bố lịch xét tuyển.

Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.

Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường công bố trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển. Trường cập nhật danh sách thí sinh xác nhận nhập học lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia

Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của Sở GD&ĐT kèm theo lệ phí ĐKXT. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường.

Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến (không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường).

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh hay nộp bằng phương thức khác do trường quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác bổ sung.

Minh Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/du-thao-quy-che-thi-thpt-quoc-gia-chinh-thuc-nhieu-diem-co-loi-cho-thi-sinh-va-cac-truong-58088.html

In bài viết