Đi tìm nguyên nhân thuốc kháng sinh mua dễ dàng... như rau cá ở chợ tạm

05:28 | 13/08/2018

TĐO-Mặc dù đề án của Bộ Y tế yêu cầu các quầy thuốc bán thuốc kháng sinh phải 100% có đơn thuốc mới được bán. Song, phần lớn các nhà thuốc trên toàn quốc vẫn tự cung cấp, tư vấn thuốc kháng sinh cho người bệnh. Bệnh nhân có thể mua thuốc kháng sinh ở cửa hàng thuốc với số lượng ít, nhiều tùy nhu cầu. Việc mua bán này diễn ra như mua rau, củ quả, thịt, cá ở chợ tạm.

Bán thuốc kiêm tư vấn trị bệnh bằng thuốc kháng sinh liều cao

Bị đau đầu, sổ mũi viêm họng nhiều ngày chưa khỏi, bà Nguyễn Thị V. (78 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) vào hiệu thuốc gần nhà kể triệu chứng bệnh thì được nhân viên bán thuốc kê cho một số loại kháng sinh và chỉ định liều dùng trong 5 ngày. Không những vậy, nhân viên bán thuốc cảnh báo bà có thể ho lâu ngày kéo dài do viêm phổi, nên gợi ý bà V. cần sử dụng thêm một số loại thuốc bổ hỗ trợ, tăng cường sức đề kháng.

“Cô nhân viên quầy thuốc cũng tư vấn cho tôi rằng, ho lâu ngày cần sử dụng kháng sinh liều cao trị dứt điểm trong khoảng 5-7 ngày là đỡ. Hầu hết các bệnh nhân mắc triệu chứng tương tự đều được tư vấn như vậy và khỏi ngay sau khi uống hết liệu trình. Nếu không đỡ, tôi cần quay lại để nhân viên tư vấn thêm và “mách” cho liệu trình thuốc khác. Tôi đã mua thuốc và uống ngay vì ho nặng nhiều ngày qua khiến tôi mất ngủ”, bà V. nói.

di tim nguyen nhan thuoc khang sinh mua de dang nhu rau ca o cho tam

Người bệnh dễ dàng mua các loại thuốc kháng sinh hạ sốt, giảm ho với hướng dẫn ngoài hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sỹ.

Theo khảo sát của PV, một số hiệu thuốc trên đường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội), hàng ngày có rất đông người tới mua thuốc. Nhiều người tới mua cầm theo đơn để dược sĩ bán thuốc nhưng cũng có nhiều người tự đến mua, chỉ cần đọc tên thuốc hoặc nhờ nhân viên hiệu thuốc tư vấn là có thể mua thuốc về uống ngay.

Thực tế cho thấy chỉ cần chớm cảm cúm, đau đầu, sốt hay viêm họng, là mọi người dở thói quen xấu là ra hiệu thuốc mua ngay những liều kháng sinh ngắn/dài ngày để trị bệnh với mong muốn mau khỏi.

"Với những lần ốm lặt vặt, chúng tôi khá ngại đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra vì chỉ cần uống thuốc vài ngày là tự khỏi. Bệnh viện thường đông đúc, thời gian chờ khá lâu thậm chí gặp đông bệnh nhân, bệnh tình sợ lại nặng thêm. Bạn bè xung quanh giới thiệu nhà thuốc nào, hoặc mua quen ở đâu tôi sẽ đến đó nhờ tư vấn liệu trình uống thuốc", chị Hà Thùy L. (35 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

Không mua ở hiệu thuốc này, khách đến hiệu khác mua nên phải bán

Dược sĩ Nguyễn Văn Đ., chủ một hiệu thuốc ở phố Ngọc Khánh bày tỏ: “Cũng có người đến mua thuốc cầm theo đơn bác sỹ kê nhưng đa phần mọi người đến và nói tên thuốc là chúng tôi bán. Có người chỉ mới chớm ho, chúng tôi tư vấn uống siro, nước súc miệng, vệ sinh mũi, họng là sẽ khỏi nhưng họ vẫn yêu cầu kháng sinh. Bởi những lần trước họ cũng bị như vậy và uống kháng sinh là khỏi. Phần lớn người mua đều muốn khỏi bệnh càng nhanh càng tốt nên tin tưởng vào các loại kháng sinh liều cao. Vì vậy, trong quầy có thuốc mà khách yêu cầu thì chúng tôi cứ bán vì không mua ở hiệu này, khách cũng tới các hiệu thuốc khác mua”.

Các chuyên gia cho rằng, việc lạm dụng thuốc, tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh để điều trị bệnh vô cùng nguy hiểm. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở khu vực nông thôn, các vùng quê, mà ngay tại các thành phố lớn, dân trí cao, người dân vẫn có thói quen ngại đến bệnh viện, bỏ qua việc thăm khám, kê đơn của bác sĩ mà tự mua thuốc để uống.

Phát biểu trên VOV, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Không ở đâu lại có thể mua bán thuốc thoải mái như ở Việt Nam, nhất là thuốc kháng sinh. “Tôi đã từng thử làm người đi mua thuốc, vào hiệu thuốc hỏi mua thuốc kháng sinh Amox thì được chủ quầy thuốc bán ngay, thậm chí tôi thử hỏi mua cả nghìn viên chủ quầy cũng đồng ý bảo sẽ có người mang thuốc đến. Trong khi đó, ở nước ngoài, thuốc kháng sinh Amox không phải dễ dàng có thể mua được”, PGS Nguyễn Tiến Dũng nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, hiện nay đa phần khi trẻ bị sốt, chảy nước mũi, cha mẹ thường ra hiệu thuốc tự mua kháng sinh hoặc lấy đơn thuốc khám trước đó rất lâu của con do bác sỹ kê để mua cho con uống. Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, thuốc kháng sinh không thể tùy tiện sử dụng mà cha mẹ có thể dễ dàng mua và cho uống mà không cần chỉ định. Lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ rất nguy hiểm, có nguy cơ trẻ bị kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị.

di tim nguyen nhan thuoc khang sinh mua de dang nhu rau ca o cho tam

Hầu hết các nhà thuốc đều đồng ý bán thuốc cho bệnh nhân theo yêu cầu mà không cần đơn thuốc của bác sỹ.

Tăng cường kiểm soát mua bán thuốc

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trước tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, Bộ Y tế triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn (gọi tắt là Đề án kiểm soát bán thuốc kê đơn). Trong đó quy định nghiêm cấm các hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sỹ.

Mặc dù vậy, việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc quá lớn, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 - 500.000 đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, mức phạt thấp như hiện nay khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm.

di tim nguyen nhan thuoc khang sinh mua de dang nhu rau ca o cho tam

Chỉ cần đọc tên một loại kháng sinh, người bệnh dễ dàng mua được số lượng lớn ngoài hiệu thuốc mà không bị thắc mắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thì, để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc, từ tháng 1/2018, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc.

Dự kiến trong năm 2018, dự án kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc sẽ hoàn thành, phấn đấu từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. Để thực hiện hiệu quả, các quầy thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Bán thuốc kháng sinh yêu cầu phải 100% có đơn thuốc

Kế hoạch của Bộ Y tế ban hành Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 nhằm tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.

Mục tiêu của Đề án là rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Đồng thời, tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú.

Đặc biệt, tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc. Đến năm 2020 yêu cầu các quầy thuốc, nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải 100% có đơn thuốc.

Giai đoạn 2017-2018, Bộ Y tế phối hợp Sở Y tế triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố gồm Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Cần Thơ. Giai đoạn 2 từ 2018 đến 2020 sẽ mở rộng ra toàn quốc.

N.H

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/di-tim-nguyen-nhan-thuoc-khang-sinh-mua-de-dang-nhu-rau-ca-o-cho-tam-57812.html

In bài viết