Hiến tạng nghĩa cử cao đẹp, tạo nên nhiều kỷ lục cho ngành y Việt Nam

16:30 | 05/07/2018

TĐO - Thời gian qua, nhiều bệnh nhân chết não đã hiến tạng cứu sống nhiều trường hợp mắc bệnh nguy kịch. Việc này đã tạo nên nhiều kỷ lục cho ngành y Việt Nam trong kỹ thuật ghép tạng đang ngày càng tiệm cận với tỷ lệ thành công của thế giới.

Tự nguyện cứu người khi tim người thân ngừng đập

Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vừa thông tin về 2 trường hợp đặc biệt hiến tạng từ người cho tim ngừng đập. Đó là ông Phùng Văn Hinh, 68 tuổi là nông dân và anh Nguyễn Hy Na, 30 tuổi làm nghề tài xế Grabike. Đây là trường hợp hiến tạng từ người cho tim ngừng đập thứ 3 và thứ 4 của cả nước kể từ năm 2015.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, nam tài xế Grabike Nguyễn Hy Na quê ở Đồng Tháp, tạm trú ở huyện Bình Chánh, TP.HCM không may tự té xe, khiến mũ bảo hiểm bị vỡ đâm vào đầu gây ra vết thương nặng. Anh được người dân đưa tới nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Qua các xét nghiệm, chụp CT đầu, bác sỹ chẩn đoán người bệnh bị chấn thương sọ não và chảy máu não, tiên lượng xấu. Sau khi biết tim anh Na ngừng đập, không thể cứu sống được, gia đình đã quyết định hiến tạng để cứu sống những người khác.

hien tang nghia cu cao dep tao nen nhieu ky luc cho nganh y viet nam

Anh Phùng Hiệp - con trai ông Phùng Văn Hinh cho biết: Lúc còn sống cha anh nguyện vọng hiến xác cho y học và hiến tạng để cứu người.

Trường hợp thứ 2 là ông Phùng Văn Hinh ngụ ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai bị đột quỵ trong khi qua nhà bạn đánh cờ. Ông được gia đình đưa vào viện trong tình trạng hôn mê. Sau khi các bác sỹ cho biết tình trạng của ông khó cứu chữa được, gia đình đã đưa ông lên Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện di nguyện của ông trước đó là hiến tặng những phần cơ thể để cứu người.

Từ hai nghĩa cử cao đẹp này, 4 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đã được ghép thận, 2 người mù được ghép giác mạc. Đến nay, sức khỏe của cả 6 bệnh nhân nhận mô, tạng đều tốt và đã được xuất viện.

Tại buổi thông tin sáng 4/7, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Do tim ngừng đập đột ngột trong quá trình hồi sức nên số cơ quan hiến tặng bị giảm đi so với sự tình nguyện hiến tặng trước đó. Nhưng chính nhờ tấm lòng, hiểu biết và quyết tâm của gia đình trong thời khắc sinh tử đã tạo thuận lợi giúp bác sỹ hoàn thành tốt trách nhiệm bảo vệ và chuyển giao được những món quà đầy tình người này đến 6 người bệnh một cách an toàn.

Mang tim người hiến tạng từ Hà Nội vào Huế cứu bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối

Đây là lần thứ 3 Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim thành công nhưng là lần đầu tiên thực hiện lấy tạng từ một bệnh viện xa Huế hơn 700 km. Bệnh nhân là Trần Tuấn, 52 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối.

Trước đó, ngày 15/5, Bệnh Trung ương Huế tiếp nhận thông tin hiến tạng được cung cấp từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, có nguồn tạng hiến từ người chết não tại Bệnh viện Việt Đức. Ngay lập tức, bệnh viện cử một kíp bác sỹ ra Hà Nội phối hợp đánh giá sự tương thích của nguồn tạng người cho với người nhận.

hien tang nghia cu cao dep tao nen nhieu ky luc cho nganh y viet nam

Bệnh nhân ghép tim đang hồi phục có thể ăn nhẹ và nói chuyện bình thường.

Đến 3h sáng hôm sau, khi có kết quả cho biết phản ứng đo chéo tương thích với người nhận ghép tim tại Huế, Trung tâm quyết định cho phép kíp mổ tim Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với các kíp mổ tại Hà Nội phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não.

Quả tim hiến được lấy ra khỏi cơ thể người chết não lúc 7h35' ngày 16/5 và đưa ngay về Huế. Với sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, quả tim hiến đã được chuyển đến Phòng mổ tim Bệnh viện Trung ương Huế lúc 10h45 phút ngày 16/5.

Ngay sau khi vượt hơn 700 km từ Hà Nội vào Huế, một kíp bác sỹ phẫu thuật do GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp chỉ đạo đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ quả tim bệnh lý của người bệnh và ghép quả tim hiến khỏe vào cơ thể người nhận.

Đến khoảng 13h25 phút cùng ngày, quả tim ghép cho người bệnh đã tự đập và bảo đảm huyết động trong lồng ngực của người bệnh. Sau gần 2 ngày được phẫu thuật ghép tim, bệnh nhân Tuấn đang dần hồi phục sức khỏe, có thể ăn uống nhẹ và nói chuyện bình thường.

PGS. TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: "Thời gian từ khi quả tim được lấy ra khỏi cơ thể người hiến đến với người nhận không quá 6 tiếng đồng hồ, nhưng thời gian vận chuyển cũng đã mất 5 tiếng 35 phút. Thành công hôm nay là thành công ngoài mong đợi, có sự phối hợp chặt chẽ và hợp tác một cách tốt nhất của Ủy ban điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Vietnam Airlines đã giúp đỡ cho chúng tôi thực hiện thành công kỹ thuật này".

Trong 1 tháng, 4 người chết não hiến tạng đã cứu sống 16 bệnh nhân

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ ngày 16/5-13/6, có 4 trường hợp chết não và gia đình đồng ý hiến tặng tạng cho y học. Bệnh viện đã nhận được từ 4 người hiến này 4 quả tim, 4 lá gan, 8 quả thận đồng thời lấy giác mạc, mạch máu, gân phục vụ cho các cuộc cấy ghép. Đây là lần đầu tiên trong một tháng, Việt Nam có nhiều người hiến tạng như vậy.

hien tang nghia cu cao dep tao nen nhieu ky luc cho nganh y viet nam

Bệnh nhân đang hồi phục sức khỏe sau khi được ghép tạng.

hien tang nghia cu cao dep tao nen nhieu ky luc cho nganh y viet nam

Một bệnh nhân được ghép tạng từ người cho chết não. Ảnh Bệnh viện cung cấp.

Với nguồn tạng hiến của 4 người chết não, các bác sỹ đã ghép tim cứu sống 4 người bệnh, ghép thận cho 8 trường hợp và ghép gan cứu sống 4 bệnh nhân ở Hà Nội và Huế.

GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ, trước đây, mỗi khi thực hiện các ca ghép tạng, bệnh viện phải chuẩn bị rất kỹ, bệnh nhân phải nằm viện lâu, thở máy kéo dài, truyền máu truyền dịch. Thời gian gần đây, với sự làm chủ kỹ thuật của các ê kíp, kỹ thuật ghép tạng của các bác sỹ Việt Nam ngày càng hoàn thiện.

Tỷ lệ sống của bệnh nhân sau ghép tạng tiệm cận với tỷ lệ của thế giới

Theo GS.TS Trần Bình Giang, do nhiều người hiến tạng, gần một tháng qua, Trung tâm ghép mô tạng làm việc quá tải. Mỗi ca ghép tạng, bệnh viện huy động khoảng 100 y, bác sỹ làm việc xuyên đêm, triển khai cùng một lúc 5 bàn mổ để lấy tạng và ghép tạng. Một số ca ghép phải thực hiện vào ban đêm và ngày nghỉ.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng cho biết, đến nay Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện hơn 600 trường hợp ghép thận, gần 60 trường hợp ghép gan, 19 trường hợp ghép tim.

Theo PGS Nghĩa, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiệm cận được với tỷ lệ của thế giới. Cụ thể, đối với bệnh nhân ghép thận, tỷ lệ sống sau 1 năm là gần 95%, sau 5 năm là 90%. Đối với bệnh nhân ghép gan, tỷ lệ thấp hơn vì đa số bệnh nhân ghép gan là do ung thư gan. Với bệnh nhân xơ gan, sau khi được ghép người bệnh gần như khỏi hoàn toàn.

Trung bình tỷ lệ sống sau 5 năm ghép gan là 75% và sau 10 năm là 70%. Trong số 19 bệnh nhân ghép tim chỉ có 2 trường hợp đã tử vong, còn lại 17 bệnh nhân vẫn sống sau 8 năm.

Đẩy mạnh chuyển giao ghép đa tạng

Việt Nam đã ghép thận thành công từ năm 1992, ghép gan thành công từ năm 2004, ghép được tim từ 2010, ghép phổi thành công từ người cho còn sống năm 2017 và ghép được phổi từ người cho chết não năm 2018. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tiến hành ghép ruột, tử cung, chi thể, mặt cho người bệnh.

GS.TS Trần Bình Giang cho biết, thời gian qua, Bệnh viện Việt Đức đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ghép đa tạng với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện 108, Bệnh viện Phú Thọ và đang chuẩn bị triển khai tiếp ở Thanh Hóa.

“Việc phối hợp giữa các đơn vị y tế để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép tạng là hướng đi đúng để phát triển ngành y học thời gian tới, mang lại lợi ích cho người bệnh, để họ được hưởng lợi ích của kỹ thuật cao gần nơi họ sống là điều quan trọng”, GS Trần Bình Giang cho biết.

V.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hien-tang-nghia-cu-cao-dep-tao-nen-nhieu-ky-luc-cho-nganh-y-viet-nam-57768.html

In bài viết