Cảnh báo nhiều ổ dịch sởi bùng phát ở trẻ nhỏ

17:46 | 14/06/2018

TĐO - Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã xảy ra ổ dịch sởi, tại 4 xã Keo Lôm, Phình Giàng, Pu Nhi và Noong U.

Tính đến ngày 11/6, ghi nhận 47 trường hợp mắc sởi. Trong đó, tập trung chủ yếu tại xã Keo Lôm với 41 ca, lứa tuổi mắc chủ yếu từ 1 - 4 tuổi. Các ca mắc sởi được điều trị tại bệnh viện huyện và trạm y tế xã, 3 trường hợp điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Tới nay, đã điều trị khỏi 12 ca, không có trường hợp tử vong.

canh bao nhieu o dich soi bung phat o tre nho

Ảnh minh họa: Internet

Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi như: chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, dịch truyền, nhân lực đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh; tổ chức phun hóa chất khử khuẩn Cloramin B tại các bản có bệnh nhân mắc sởi; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ ở tất cả các địa phương, nhất là trẻ em từ 1 - 4 tuổi. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện tiêm các loại vắc-xin, đảm bảo tất cả các trẻ em được tiêm đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 có khoảng 89.780 trường hợp tử vong do sởi, hầu hết xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng được một cách hiệu quả thông qua việc tiêm vắc-xin sởi.

Trong giai đoạn 2000-2016, vắc-xin sởi đã ngăn ngừa được khoảng 20,4 triệu trường hợp tử vong do sởi trên pham vi toàn thế giới, giảm khoảng 84% so với năm 2000.

Năm 2012, các nước trên thế giới đã thông qua mục tiêu toàn cầu nhằm tiến tới loại trừ bệnh sởi trước năm 2020 và đã triển khai rất nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là tiêm vắc-xin sởi phòng bệnh cho trẻ em từ 9 tháng tuổi.

Tuy nhiên, đến năm 2017, sởi vẫn còn ghi nhận tại 118 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới vào năm 2017. Ngay trong những tuần đầu tiên của năm 2018, dịch sởi đã bùng phát tại một số địa phương của nhiều quốc gia trên thế giới.

canh bao nhieu o dich soi bung phat o tre nho

Tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ. Ảnh: K.T

Tại châu Á, trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, tại Thành phố Davao, một thành phố lớn của Philippines đã ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp mắc sởi.

Việt Nam, mặc dù việc tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ em đã được triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trên cả nước từ năm 1985, tuy nhiên hàng năm vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sởi.

Nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra rất lớn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin sởi thấp hoặc tại một số thành phố lớn nơi có mật độ tập trung dân rất cao và sự di biến động dân cư lớn.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

3. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.


V.H
(t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/canh-bao-nhieu-o-dich-soi-bung-phat-o-tre-nho-57751.html

In bài viết