Kiểm soát bội chi quỹ BHYT bằng giao dự toán chi có khả thi?

14:14 | 01/06/2018

TĐO-Số liệu do Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cung cấp, tính đến ngày 31/3/2018, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 80,6 triệu người (tăng 0,7 triệu người so với năm 2017).

Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86% trong đó có 27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 85% dân số. Các đối tượng gia tăng trong thời gian qua chủ yếu là tham gia theo hộ gia đình, người bị nhiễm HIV/AIDS.

Quỹ BHYT bị âm đã được BHXH Việt Nam thông báo rất lâu rồi. Cùng với thông báo này, BHXH cũng thông báo rằng, số lượng người tham gia BHYT ngày càng tăng. Và, cũng có ý kiến cho rằng, người tham gia BHYT càng tăng thì quỹ BHYT càng thâm hụt, BHXH càng phải bù lỗ…

kiem soat boi chi quy bhyt bang giao du toan chi co kha thi

Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh báo Thanh niên.

Ai cũng biết, BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cho người dân được hưởng chế độ khám chữa bệnh không phí.

Ở Việt Nam, chính sách ưu việt của BHYT cũng được khẳng định trong nhiều năm qua, và chính nó là chính sách gắn kết với đời sống xã hội nhiều nhất. Bởi nó chạm đến từng thành viên trong 1 gia đình – tế bào của xã hội.

Việc kiểm soát thu chi của chính sách ưu việt này như thế nào, do cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến ngày 31/12/2017 số đối tượng tham gia BHYT là 79,9 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 100,1% so với kế hoạch được giao, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 85,6%.

Trong đó, 22 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số; 24 tỉnh, TP đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 82,2% đến dưới 90%; 17 tỉnh, TP còn lại đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 82,2% dân số.

Tính đến ngày 31/3/2018, số người tham gia BHYT là 80,6 triệu người (tăng 0,7 triệu người so với năm 2017); Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86% trong đó có 27 tỉnh, TP có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 85% dân số. Các đối tượng gia tăng trong thời gian qua chủ yếu là tham gia theo hộ gia đình, người bị nhiễm HIV/AIDS.

Năm 2017, số cơ sở y tế mới tham gia khám chữa bệnh (KCB) BHYT là 189 cơ sở, trong đó, 97 cơ sở y tế công lập (6 BV chuyên khoa, 12 BV đa khoa, 54 bệnh xá, 6 phòng khám chuyên khoa, 11 phòng khám đa khoa, 5 trung tâm y tế, 2 phòng khám y tế cơ quan); 92 cơ sở y tế tư nhân (3 BV chuyên khoa, 10 BV đa khoa, 79 phòng khám đa khoa).

Trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng cơ sở y tế mới tham gia KCB BHYT là 30 cơ sở, trong đó, 7 cơ sở công lập và 23 cơ sở tư nhân.

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam thì số cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT tăng hằng năm, thông tuyến huyện nên khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân dễ dàng hơn và cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tăng lượt KCB và tổng chi KCB BHYT năm 2017.

Tại Hội nghị Giao ban công tác thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam, TP.HCM ngày 31/5 có nội dung: Việc giao dự toán chi là cách thức để kiểm soát bội chi quỹ BHYT và hạn chế được các hành vi trục lợi quỹ BHYT.

Theo giải thích của BHXH, việc giao dự toán chi này là để hạn chế những vi phạm về BHYT và cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: Tăng cường kiểm tra sự có mặt của người bệnh tại cơ sở KCB và việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại các khoa phòng; Từ chối thanh toán đối với các trường hợp lập hồ sơ bệnh án khống hoặc các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh không được sử dụng.

kiem soat boi chi quy bhyt bang giao du toan chi co kha thi


Bên cạnh đó, kiểm tra rà soát chặt chẽ đăng ký hành nghề KCB tại các cơ sở KCB; Kiểm tra, rà soát và khẩn trương thực hiện đồng bộ các danh mục dùng chung tại các cơ sở KCB BHYT làm cơ sở giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT; Tăng cường công tác giám định chuyên đề và thực hiện giám định điện tử; Kiểm tra, rà soát chặt chẽ việc đấu thầu, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở KCB; Kiểm soát việc thanh toán tiền khám, tiền ngày giường và dịch vụ kỹ thuật theo định mức giá; Kiểm tra rà soát và kiểm soát chặt chẽ công tác đấu thầu thuốc tập trung.

Ông Phạm Lương Sơn-Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: Ngoài những giải pháp trên thì việc giao dự toán ban đầu là cách thức để kiểm soát bội chi quỹ BHYT, hạn chế được các hành vi trục lợi quỹ. Nếu có dấu hiệu chi vượt dự toán từ các cơ sở y tế, sẽ kịp thời xem xét, kiểm tra, điều tra và xử lý các hành vi trục lợi để phục vụ tốt nhất cho người bệnh.

Bác Nguyễn Văn Toàn (Hải Phòng) cho biết: “Quản lý như thế nào để tránh quỹ bị âm, bị trục lợi là việc của cơ quan chức năng, trong đó, trách nhiệm thuộc về BHXH Việt Nam. Không thể giao dự toán ban đầu và lấy đó để kiểm soát hoạt động BHYT được. Vì, đầu năm, dự toán dựa trên cơ sở số liệu của năm cũ, phát sinh người mới, không được khám hay sao? Và, muốn khám thì phải làm tờ trình, xin phép, người có BHYT không được khám họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, ai chịu trách nhiệm. Cơ sở y tế không thể từ chối người đến khám BHYT với lý do là ông, bà, cô, bác, anh chị, cháu… đã không trong danh sách dự toán chi ban đầu của cơ sở. Làm như vậy, tính ưu việt của BHYT sẽ không còn. Hơn nữa, khi đó BHXH có đứng ra chịu trách nhiệm về việc người có BHYT mới, không được cơ sở khám chữa bệnh BHYT khám, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chỉ vì không có trong dự toán ban đầu hay không?”

Ý kiến của bác Nguyễn Văn Toàn không phải là không có lý. Việc phải kiểm tra, giám sát quá trình khám chữa bệnh BHYT để cơ sở khám chữa bệnh không vi phạm, không bị trục lợi là việc làm đúng, thường xuyên phải làm. Nhưng cách làm như thế nào, để không ảnh hưởng đến người tham gia BHYT thì BHXH Việt Nam cần phải cân nhắc, chứ không thể khoán, trong khi đó luôn luôn vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện.

N.Hòa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/kiem-soat-boi-chi-quy-bhyt-bang-giao-du-toan-chi-co-kha-thi-57741.html

In bài viết