Từ tháng 6/2018, Việt Nam ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem

19:00 | 27/03/2018

Theo thông tin từ Bộ Y tế, vắc xin Quinvaxem dự kiến được sử dụng đến hết tháng 5 trên quy mô toàn quốc.

Vắc xin Quinvaxem ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi. Vắc xin này do Hàn Quốc sản xuất và được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, nhà máy sản xuất Quinvaxem ở Hàn Quốc ngưng sản xuất vắc xin này. Do đó, từ tháng 4 tới đây, Việt Nam sẽ bắt đầu sử dụng loại vắc xin 5 trong 1 mới.

tu thang 62018 viet nam ngung su dung vac xin quinvaxem

Vắc xin Quinvaxem (Ảnh minh họa)

Theo một số nguồn tin, vắc xin thay thế là vắc xin TPT viêm gan B hip có thành phần, chất lượng tương đương với vắc xin Quinvaxem do Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này được mua bằng nguồn kinh phí Nhà nước và hỗ trợ 1 phần của Liên minh toàn cầu vắc xin và Tiêm chủng.

Lịch tiêm không thay đổi, tiêm cho trẻ từ 2,3 và 4 tháng tuổi, vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã, phường.

Trước khi được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, loại vắc xin thay thế này đã được sử dụng hơn 400 triệu liều ở trên 40 quốc gia, đạt tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn của WHO và đã được WHO tiền thẩm định.

Trong khi đó, trao đổi với VTC News, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, loại vắc xin thay thế Quinvaxem hiện đang được Bộ Y tế cân nhắc, lựa chọn, nhằm đảm bảo lợi ích của người dân, đồng thời sẽ thí điểm sử dụng loại vắc xin mới trước khi đưa vào áp dụng tiêm chủng rộng rãi.

Dự kiến, loại vắc xin mới thay thế Quinvaxem sẽ được tiêm thí điểm từ tháng 4 tới tại 4 tỉnh Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Định, Kon Tum. Sau thử nghiệm, vắc xin thay thế sẽ bắt đầu được dùng rộng rãi dự kiến từ tháng 5/2018.

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Ngoài ra, để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng, năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vắc xin mới vào chương trình TCMR, bao gồm:

- Vắc xin phòng bệnh Sởi - Rubella: Tháng 4/2018, vắc xin Sởi - Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng.

- Vắc xin bại liệt tiêm (IPV): Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình TCMR từ tháng 8/2018.

Vắc xin Quinvaxem từng bị tạm dừng sử dụng năm 2013 sau khi có 43 ca phản ứng nặng sau tiêm. WHO sau đó đánh giá, trong số đó chỉ có 9 trường hợp có thể liên quan đến tiêm vắc xin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc xin. Từ tháng 11/2015, văcxin này được tiếp tục tiêm cho trẻ đến nay.

Ngân Linh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tu-thang-62018-viet-nam-ngung-su-dung-vac-xin-quinvaxem-57667.html

In bài viết