Lần đầu thả muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết trên đất liền

16:53 | 06/03/2018

TĐO - Sáng 6/3, tại Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang, Khánh Hòa), Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” đã chính thức tổ chức thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Tham dự buổi lễ kể trên có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang, Trường ĐH Monash (Úc) cùng các đơn vị, ban ngành liên quan.

la n da u tha muoi phong benh sot xuat huye t tren da t lie n

Các hộp chứa muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thả tại xã Vĩnh Lương. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Được biết, việc thả muỗi mang Wolbachia chỉ được phép tiến hành khi có sự đồng thuận cao của cộng đồng (trên 80% người dân ủng hộ). Vì vậy, để có thể gắn dự án vào thực tiễn, các nhân viên dự án đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, tham vấn cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, dự án cũng đã lấy phiếu đồng thuận tại 370 hộ gia đình ngẫu nhiên trong khu vực dự kiến thả muỗi. Kết quả, 97% số người trả lời khảo sát cho biết ủng hộ việc thả muỗi Wolbachia, 100% đại diện các hộ gia đình đã ký phiếu đồng thuận cho việc triển khai thả muỗi mang Wolbachia.

Theo kế hoạch, từ ngày 6/3, sẽ tiến hành thả muỗi tuần một lần ở 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, gồm các thôn Lương Sơn 1-2- 3, Văn Đăng 1-2- 3 và Võ Tánh 1-2. Thời gian thả muỗi dự kiến kéo dài trong 12-18 tuần. Mỗi tuần sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô có kích thước 50mx50m (diện tích 2.500m2 ), tương ứng với mức thả trung bình là 1 con muỗi/25m2 /tuần.

la n da u tha muoi phong benh sot xuat huye t tren da t lie n

Đại diện các đơn vị tiến hành thả muỗi. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Muỗi vằn mang Wolbachia sau khi được thả ra thực địa sẽ cặp đôi, sinh sản và tự duy trì trong môi trường tự nhiên. Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực mang hoặc không mang Wolbachia thì cũng đều sinh ra trứng nở thành thế hệ muỗi tiếp theo mang vi khuẩn Wolbachia, theo cơ chế mẹ truyền sang con. Trong khi đó, muỗi cái không mang Wolbachia (muỗi truyền bệnh) nếu giao phối với muỗi đực có Wolbachia thì trứng do con cái sinh ra sẽ không nở (do cơ chế bất hợp dịch bào), nhờ đó làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh. Việc thả cả muỗi đực và muỗi cái mang Wolbachia giúp cho loại muỗi này tự duy trì qua nhiều thế hệ, giúp phòng bệnh SXH và Zika.

Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” nằm trong chương trình loại trừ sốt xuất huyết toàn cầu, đến nay đã có sự tham gia của 10 nước. Một số nước đã triển khai phương pháp Wolbachia trên diện rộng, gồm: Australia, Indonesia, Brazil và Colombia. Trong đó, Australia là nước tiên phong, đã thả muỗi mang Wolbachia ở TP Cairns, từ năm 2011.

Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên muỗi mang Wolbachia được thả trên đất liền. Trước đó, vào năm 2013-2014, dự án đã thả muỗi mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang). Đến nay, chưa ghi nhận ổ dịch SXH tập trung nào xảy ra trên đảo Trí Nguyên, mặc dù vài năm trở lại đây tỉnh Khánh Hòa vẫn là một trong những “điểm nóng” về SXH trên cả nước.

Theo các nhà khoa học, từ các nghiên cứu và việc triển khai thực địa trên thế giới cho thấy phương pháp ứng dụng muỗi mang Wolbachia là tự nhiên, an toàn, có khả năng duy trì hiệu quả lâu dài trong việc hạn chế sự lan truyền của bệnh SXH (Dengue), Zika và một số bệnh khác do muỗi truyền.

Minh Thu (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/la-n-da-u-tha-muoi-phong-benh-sot-xuat-huye-t-tren-da-t-lie-n-57647.html

In bài viết