Sẵn sàng bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh dịp Tết

09:56 | 11/02/2018

Hiện sở y tế, nhiều bệnh viện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã lên phương án chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là công tác cấp cứu, khám chữa bệnh theo Chỉ thị về bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

san sang bao dam cong tac cap cuu kham chua benh dip tet

Ảnh minh họa.

Tại Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong dịp Tết Mậu Tuất, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc phân công cán bộ trực khám chữa bệnh, duy trì các đội cấp cứu ngoại viện, chuẩn bị về cơ số thuốc, trang thiết bị và vật tư, hóa chất... Theo đó, hệ thống y tế Hà Nội đã phân công gần 3.000 cán bộ trực Tết, trong đó có khoảng 1.700 y, bác sĩ.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế và các đơn vị liên quan chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh...

Cùng với đó, nhiều bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội cũng như các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn đã có kế hoạch khám chữa bệnh cho nhân dân và trực Tết; bảo đảm máu, dịch truyền cho bệnh nhân; cung cấp chăn ấm, dinh dưỡng cho bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị…

Trong những ngày Tết, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức vẫn bảo đảm máu, dịch truyền cho bệnh nhân. Ngoài ra, Bệnh viện còn cung cấp chăn ấm,dinh dưỡng cho bệnh nhân ở lại điều trị.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng thực hiện khám ngoài giờ tất cả các ngày nghỉ (15-19/2) tại Phòng Khám cấp cứu. Phòng Khám cấp cứu có đủ cơ sở vật chất và sẽ phối hợp với các ca trực tổ chức tốt hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong những ngày Tết.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày nghỉ Tết, Bệnh viện sẽ bố trí khoảng 350 nhân viên y tế trực cấp cứu và khám, chữa bệnh, bảo đảm tất cả bệnh nhân cấp cứu được khám và điều trị kịp thời; không để xảy ra tình trạng từ chối người bệnh hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp nào; tất cả khoa, phòng của Bệnh viện khám, chữa bệnh như bình thường

Riêng Khoa Cấp cứu sẽ mở thêm các phòng khám cấp cứu. Khoa Khám bệnh bố trí 4 kíp khám với 10 giường điều trị ban ngày. Trung tâm Chống độc được tăng cường sẵn sàng cấp cứu cho người bệnh. Khoa Thận nhân tạo duy trì 4 ca/ngày để thực hiện chạy thận nhân tạo, duy trì sức khỏe cho người bệnh.

Các bộ phận hành chính, tài chính làm thủ tục ra viện trong những ngày Tết vẫn hoạt động bình thường. Trong những ngày Tết, 100% lãnh đạo Bệnh viện sẽ thay phiên nhau trực để động viên cán bộ, công nhân viên cũng như kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh.

Bệnh viện Nhi Trung ương đã lên các phương án về phân công nhân lực, chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, vật tư và bố trí các cấp trực đầy đủ nhằm bảo đảm xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn, dịch bệnh.

Các Khoa Cấp cứu - Chống độc, Khoa Khám bệnh, phòng khám không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường họp vào viện cấp cứu nào. Các vị trí trực phải có mặt đầy đủ, đúng giờ không được tự ý bỏ trực. Trong trường hợp cấp cứu không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý sơ cứu ban đầu trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Các khoa lâm sàng thực hiện tốt chế độ trực cấp cứu, đảm bảo thăm khám người bệnh đầy đủ, phát hiện, xử lý, thông báo kịp thời các trường họp cấp cứu, các dịch bệnh nguy hiểm.

Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ với đầy đủ 4 cấp (lãnh đạo, đường dây nóng, chuyên môn và hành chính - hậu cần); bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu (tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ngộ độc, sinh đẻ…) trong những ngày Tết. Các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu; trường hợp bệnh nhân nhập viện không đúng tuyến hoặc không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới chuyển đi đến các cơ sở y tế phù hợp để điều trị; tổ chức vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết.

Sở Y tế Thành phố cũng yêu cầu các bệnh viện tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm điều trị trong những ngày Tết cả về vật chất và tinh thần; tổ chức chúc Tết, thăm hỏi bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách. Các bệnh viện cũng phải chuẩn bị dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí giường bệnh và các phương tiện cấp cứu hiện có sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh xảy ra và phải đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị và cách ly theo các quy định hiện hành.

Trong những ngày Tết, Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn có khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú và từ 700- 1.000 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày. Để điều trị, cấp cứu cho bệnh nhi trong dịp Tết, Bệnh viện cắt cử các ca trực 24/24 giờ, trong đó mỗi ca trực có 200 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Bên cạnh đó, tất cả nhân viên của Bệnh viện phải luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có các tình huống bất ngờ xảy ra.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và phương tiện để sẵn sàng cấp cứu nội - ngoại viện và cấp cứu thảm họa; có kế hoạch đáp ứng tình hình bệnh nhân tăng đột biến trong những ngày nghỉ Tết. Các khoa, phòng cũng sẵn sàng các phương án về cấp cứu, phẫu thuật khẩn cấp và phương án cấp cứu thảm họa. Bệnh viện cũng bảo đảm giải quyết kịp thời tất cả các trường hợp mổ cấp cứu, không để bệnh nhân phải chờ đợi lâu.

Cũng tại TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng máu TP cho biết sẽ tích cực vận động hiến máu nhân đạo và tổ chức tiếp nhận nguồn máu hiến đến ngày 13/2/2018 (tức 28 Tết) với mục tiêu vận động được 14.000 - 16.000 đơn vị máu.

Bên cạnh đó, Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy có kế hoạch tiếp nhận hơn 16.000 đơn vị máu để chiết xuất, sản xuất các chế phẩm phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị cho Bệnh viện Chợ Rẫy và 36 bệnh viện của 5 tỉnh Đông Nam Bộ. Trong trường hợp nguồn máu dự trữ không đạt kế hoạch, Trung tâm sẽ nhờ sự chi viện nguồn máu từ một số trung tâm máu ở Cần Thơ, Nha Trang, Bình Dương.

Nguyễn Văn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/san-sang-bao-dam-cong-tac-cap-cuu-kham-chua-benh-dip-tet-57595.html

In bài viết