Miếng dán chống sau tàu xe có thể gây loạn thần ở trẻ

07:59 | 10/08/2017

TĐO - Sử dụng miếng dán chống say tàu xe có thể gây loạn thần ở trẻ nhỏ, với các biểu hiện như chứng la hét, kích động, có nhiều hành động bất thường…

Mới đây, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) tiếp nhận một bé gái 9 tuổi ở huyện Hóc Môn với các triệu chứng la hét, kích động, có nhiều hành động bất thường, bò lồm cồm khắp nhà.

mieng dan chong sau tau xe co the gay loan than o tre

Miếng dán chống say tàu xe còn có tác dụng không mong muốn đối với cả người lớn

Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị viêm não. Nhưng thông tin từ gia đình, mẹ của bé cho biết do có kết quả học tập loại giỏi nên gia đình đã thưởng cho bé một chuyến đi chơi ở trung tâm thành phố. Sợ con bị say xe, người mẹ đã mua miếng dán chống say xe dán vào sau tai của bé. Sau đó bé bắt đầu có triệu chứng lạ như trên. Các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị loạn thần do dị ứng với chất scopolamine có trong miếng dán chống say tàu xe.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự.

Vào mùa hè, trẻ em thường được gia đình cho đi chơi xa và sử dụng miếng dán chống say tàu xe nhiều hơn. Loạn thần do dùng miếng dán chống say tàu xe thường gặp ở trẻ 5 – 10 tuổi.

Thông thường, triệu chứng loạn thần chỉ kéo dài trong khoảng 72 giờ nhưng cần theo dõi chặt chẽ xem có bị hạ đường huyết hay không. Tùy vào cơ địa của từng trẻ, triệu chứng có thể là ngủ li bì hoặc bị ảo giác như nhìn thấy quái vật, nhìn thấy không gian xung quanh biến đổi bất thường.

Trẻ có thể la hét, kích động dữ dội, có nhiều hành động bất thường khá giống với triệu chứng của viêm não nên nhiều bác sỹ có thể chẩn đoán nhầm và thực hiện nhiều xét nghiệm không cần thiết.

Tổ chức dược thế giới chống chỉ định dùng miếng dán chống say tàu xe có chứa hoạt chất scopolamine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Nhưng tại Việt Nam, nhiều người vẫn quen mua dùng cho cả gia đình vì nghĩ là vô hại.

Không những trẻ em mà miếng dán chống say tàu xe còn có tác dụng không mong muốn đối với người lớn. Có đến hơn 10% người sử dụng là người lớn có biểu hiện như hoa mắt, nôn nao sau khi dùng miếng dán chống say tàu xe.

Phương Nguyên (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mieng-dan-chong-sau-tau-xe-co-the-gay-loan-than-o-tre-57349.html

In bài viết