Bộ Y tế họp khẩn đối phó nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập

14:00 | 21/02/2017

TĐO - Cúm A/H7N9 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Trung Quốc và hoàn toàn có khả năng lây lan sang nước ta. Nhằm chủ động đối phó với dịch cúm A/H7N9 và H5N1, chiều tối ngày 20/2, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn tại Hà Nội.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%).

Trong đó, tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta. Riêng trong 2 tháng qua đã ghi nhận hơn 340 trường hợp mắc tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013.

bo y te hop khan doi pho nguy co cum ah7n9 xam nhap

Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vi rút cúm A/H7N9 từ vùng có dịch. (Ảnh minh họa)

Do dịch cúm A/H7N9 chủ yếu tập trung ở khu vực phía Đông Nam của Trung Quốc, vùng giáp với biên giới Việt Nam, nên khả năng bệnh lây lan sang nước ta là rất cao.

Tính đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 nào. Tuy nhiên, vi rút cúm H7N9 không biểu hiện rõ trên gia cầm (gia cầm nhiễm vi rút vẫn khỏe mạnh) nên việc chủ động giám sát nhiễm vi rút trên người là rất quan trọng.

Bên cạnh cúm A/H7N9 thì cúm A/H5N1 và H5N6 cũng gây nhiều lo ngại. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận 4 ổ dịch cúm H5N1 tại Nam Định, Bạc Liêu và Nghệ An. Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Trước nguy cơ dịch cúm lây lan trên người, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur khu vực miền Trung và miền Nam cần tăng cường, mở rộng lấy mẫu chẩn đoán cho cả những trường hợp có triệu chứng nhẹ. Đặc biệt là ở những địa phương giáp biên giới hoặc giao thương mạnh với các nước đang xảy ra dịch.

Bên cạnh đó, cần vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong.

Hoài Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bo-y-te-hop-khan-doi-pho-nguy-co-cum-ah7n9-xam-nhap-56932.html

In bài viết