TP.HCM: Phát hiện ổ dịch thủy đậu trong Khu chế xuất Tân Thuận

14:21 | 04/01/2017

TĐO - Báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 cho thấy, từ ngày 17/11 đến 22/12/2016, Công ty TNHH Gunze Việt Nam (thuộc Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) ghi nhận tổng cộng 31 ca mắc thủy đậu. Tuy nhiên, đến nay cơ quan y tế vẫn chưa được tiếp cận để giám sát.

Theo đó, trong 31 ca mắc thủy đậu ở Công ty TNHH Gunze Việt Nam có 30 ca ở phân xưởng may và 1 ca ở phân xưởng cắt. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy 12/31 ca không có tiếp xúc với nguồn lây từ cộng đồng trước đó.

BS Nguyễn Lê Đăng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) quận 7 nhận định: “Đây là ổ dịch thủy đậu lây lan trong cùng phân xưởng may của Công ty TNHH Gunze Việt Nam. Do không phát hiện kịp thời ca bệnh đầu tiên nên xuất hiện nhiều ca bệnh thứ phát. Cơ quan y tế cần điều tra dịch tễ thêm tại công ty và cộng đồng để biết chính xác thông tin ca bệnh và diễn tiến lây lan của bệnh”.

tphcm phat hien o dich thuy dau trong khu che xuat tan thuan

Thủy đậu sẽ lây lan nhanh nếu không được điều trị và xử lý kịp thời. (Ảnh minh họa)

Theo BS Đăng, Trung tâm YTDP quận 7 đã hướng dẫn Công ty TNHH Gunze Việt Nam cho công nhân mắc bệnh được nghỉ và chỉ đi làm trở lại khi có giấy xác nhận hết bệnh của bác sĩ. Bên cạnh đó, nếu phát hiện công nhân đang làm việc có biểu hiện mệt mỏi, sốt thì nên cho nghỉ.

Trung tâm cũng đề nghị Công ty Gunze Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt việc xác minh nguyên nhân nghỉ ốm của công nhân để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới. Công ty cũng truyền thông người mắc bệnh không nên tiếp xúc với phụ nữ có thai, trẻ dưới một tuổi và người suy giảm miễn dịch.

BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm YTDP TP.HCM thì cho biết, theo quy định, khi phát hiện có hai ca bệnh trong vòng 14 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải báo cáo với ngành y tế và cùng phối hợp xử lý để tránh lây lan. Ca bệnh đầu tiên ở Công ty Gunze Việt Nam là ngày 17/11, thế nhưng đến ngày 23/12 công ty này mới báo với ngành y tế. Do báo cáo trễ, lại chỉ cho ngành y tế vào công ty giám sát một lần (hôm 24/12, nhờ sự tác động của Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM) nên dịch bệnh lây lan khá nhanh.

BS Nga cho biết thêm, hiện vụ việc đã được báo cáo với Sở Y tế TP.HCM. Sở đã chỉ đạo Trung tâm YTDP TP phải giám sát thực tế hoạt động phòng, chống bệnh thủy đậu của Công ty TNHH Gunze Việt Nam. Dự kiến sáng ngày 4/1, Trung tâm YTDP TP.HCM cùng các cơ quan liên quan sẽ làm việc trực tiếp với Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận và Công ty TNHH Gunze Việt Nam để xem công ty này có thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế về phòng ngừa lây lan dịch bệnh thủy đậu hay không.

Được biết, bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10–20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn...). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1–2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Đa số nốt đậu có đường kính dưới 5mm, tuy nhiên cũng có nốt đậu có đường kính tới 10mm. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân nên hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ khoảng 7-10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.

Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Bên cạnh đó thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Hoài Anh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tphcm-phat-hien-o-dich-thuy-dau-trong-khu-che-xuat-tan-thuan-56837.html

In bài viết