Món ăn, bài thuốc phòng và điều trị bệnh từ cá trắm

14:00 | 13/04/2017

TĐO - Cá trắm có hai loại là cá trắm trắng và cá trắm đen. Mỗi loại đều có hương vị, công dụng và khả năng phòng, điều trị bệnh khác nhau.

Cá trắm trắng còn gọi là trắm cỏ. Theo Đông y, trắm trắng vị ngọt tính ôn, công năng bổ tỳ ấm vị, bổ khí huyết. Thích hợp với các chứng tỳ vị hư hàn, biếng ăn, gầy yếu, mệt mỏi, đuối sức, khí hư nhược. Có tác dụng bình can khử phong, trị tê, sốt rét, trị hư lao, phong hư, sốt rét lâu ngày...

mon an bai thuoc phong va dieu tri benh tu ca tram

Cá trắm trắng được dùng để phòng và chữa nhiều bệnh. (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, cá trắm đen có vị ngọt tính bình. Công năng bổ thận khí, mạnh tỳ dưỡng vị, bình can sáng mắt, hóa thấp, khứ phong, lợi thủy. Thích hợp với người tỳ vị hư nhược, mất sức, phù nề, viêm gan, thận, tê thấp.

Dưới đây là một số món ăn phòng chữa bệnh từ cá trắm trắng và cá trắm đen đã được giới thiệu trong cuốn sách Chữa bệnh bằng rau, củ, quả và động vật mà bạn đọc nên tham khảo:

Khí huyết bất túc, suy nhược sau ốm dậy: Cá trắm 250g, hoàng kỳ 25g, đương quy 12g. Nấu canh ăn cá uống canh bỏ bã thuốc.

Tỳ vị hư hàn: Bụng lạnh đau, không muốn ăn: Trắm trắng 250g, sa nhân 6g, sinh khương 6g. Ninh kỹ, ăn cá uống canh, bỏ bã.

Cảm gió lạnh: Người bị cảm gió lạnh, đau đầu, ngạt mũi, đau mình mẩy thì lấy thịt cá trắm 150g, gừng tươi 25g, rượu gạo 100g, nước 1/2 bát. Nấu sôi rồi cho cá, gừng, rượu. Hầm 30 phút cho gia vị muối. Ăn nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Huyết áp tăng, nhức đầu, chóng mặt: Thịt cá trắm 150g, thái miếng, bột sắn dây 30g. Nước vừa đủ nấu thành cháo đặc, nêm gia vị, ăn liền một tuần. Hoặc cá trắm trắng 200-250g (lấy phần đuôi), bí đao 200-250g. Chiên cá rồi cho nước bí đao hầm nhừ, nêm gia vị, ăn vài ngày liền.

Cảm nắng nóng, viêm phế quản do nắng nóng, khô họng, ho nhiều đờm vàng đặc, tiểu vàng đỏ sẻn: Cá trắm trắng 120g, mướp 500g, gừng tươi 3 lát. Cá thái miếng xào cho chín, nêm gia vị rồi cho cá vào đảo vừa chín tới; ăn với cơm.

Nâng sức đề kháng, phòng cúm: Cá trắm đen (con khoảng 1kg) bỏ vảy, ruột, rửa sạch, khứa rãnh 2 bên thân cá, để lên đĩa hấp gần chín cho gừng tươi, hành, rượu, ít mì chính chưng tiếp cho chín. Nếu suy nhược, mất sức, chóng mặt thì lấy cá trắm đen 500g, 3 lát gừng với lượng gạo vừa đủ nấu cháo ăn.

Tỳ vị hư nhược, hay đau bụng lâm râm, biếng ăn: Cá trắm đen 1 con khoảng 500g, đảng sâm 9g, thảo quả 1g, trần bì, quế bì mỗi vị 1,5g, gừng khô 3g, hồ tiêu 5 hạt, hành, muối. Nấu chín, ăn thịt cá, uống canh, bỏ bã thuốc.

Đau dạ dày mạn tính: Cá trắm đen nấu thành canh để ăn suông hoặc với cơm.

Phù nề, chi dưới phù không có lực: Thịt cá trắm đen 120g. Lá hẹ lượng vừa đủ nấu canh, ăn cái, uống nước.

Lưu ý: Mật cá trắm trắng và cá trắm đen đều có tính độc. Nhiều trường hợp bị ngộ độc, thậm chí có người đã tử vong vì dùng mật cá trắm sai cách. Do đó, khi làm cá nên loại bỏ phần mật để đảm bảo an toàn.

Hoài Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mon-an-bai-thuoc-phong-va-dieu-tri-benh-tu-ca-tram-55956.html

In bài viết