Khỏi ho lao nhờ sơn dược

08:00 | 18/02/2017

TĐO - Sơn dược còn gọi là hoài sơn, củ mài, khoai mài… Đây là món ăn dân dã và cũng là vị thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền.

Theo Y học cổ truyền, sơn dược có vị ngọt ấm, tính bình, có tác dụng bổ tỳ thận, ích tâm phế, mạnh khí lực, chữa ho lao, suy yếu đau lưng, di tinh, bạch đới, đi lỵ, rối loạn tiêu hóa, tiểu dắt. Tuy nhiên, người thấp nhiệt, đại tiện táo, không nên dùng sơn dược.

khoi ho lao nho son duoc

Sơn dược là vị thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền. (Ảnh: Internet)

Dưới đây là những món ăn phòng và điều trị bệnh dùng sơn dược đã được giới thiệu trong cuốn sách Cháo với sức khỏe mà bạn đọc nên tham khảo.

Cháo sơn dược ý dĩ: Sơn dược, nhân ý dĩ mỗi loại 60g, hồng khô 30g; thái nhỏ sơn dược, hồng khô, cùng với nhân ý dĩ cho vào nấu thành cháo; mỗi ngày ăn 1-2 lần. Món cháo này có tác dụng bổ tỳ ích phế, thích hợp với người tỳ phế khí hư, viêm mũi có tính mẫn cảm.

Cháo bán hạ sơn dược: Bán hạ, sơn dược, vỏ quýt khô mỗi loại 10g, gạo lứt 100g; trước hết lấy bán hạ, vỏ quýt cho vào nồi nước nấu, bỏ bã lấy nước, sau cho sơn dược, gạo lứt vào nước thuốc nấu thành cháo; mỗi ngày ăn 1 thang, hầm nóng ăn. Bài thuốc này có tác dụng lý khí chỉ đau, bổ tỳ ích thận, thích hợp với chứng đau đầu do khí hư.

Cháo sơn dược hạnh nhân: Sơn dược hạt dẻ mỗi loại 100g, hạnh nhân 20g, táo và đường đỏ vừa đủ; sơn dược rửa sạch, bỏ vỏ, thái miếng; hạnh nhân bỏ vỏ, hạt dẻ rửa sạch; cho cả 3 vào nồi nấu thành cháo, cháo chín thêm đường đỏ vào ăn mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần, ăn nóng. Món cháo này tuyên phế chỉ ho, bổ trung ích phế, thích hợp với chứng viêm phế quản nhánh cấp tính, phế tỳ khí hư.

Cháo hạt sen sơn dược: Hạt sen 30g, sơn dược 35g, đại táo 20g, gạo nếp 100g, đường đỏ vừa đủ; sơn dược bỏ vỏ, thái miếng; hạt sen, đại táo ngâm nở, đại táo bỏ hạt; cho tất cả vào nồi, dùng lửa to nấu sôi rồi chuyển lửa nhỏ nấu thành cháo, cháo chín thêm đường đỏ vào nấu sôi lại; mỗi ngày ăn 1 thang, chia 2 lần, ăn nóng, 5-7 ngày là 1 liệu trình. Món cháo này có tác dụng bổ ích tỳ phế, kiện vị an trung, thích hợp với chứng viêm phế quản nhánh mãn tính, có tính tỳ hư.

Hoài Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/khoi-ho-lao-nho-son-duoc-55951.html

In bài viết